Vùng tôm An Hải - Từ Thiện hồi sinh sau lũ

Theo thống kê của ngành NN-PTNT tỉnh, đợt lũ lụt đầu tháng 11/2010 đã làm hư hỏng, sạt lở gần 300 ha ao đìa tôm của hai xã An Hải - Phước Dinh. Đến nay, trên 90% số này đã được tu sửa, cải tạo hoàn chỉnh, đang thả nuôi, hầu hết đang sinh trưởng tốt, nhiều khả năng đạt năng suất cao.

Xuôi theo tuyến đường ven biển Phú Thọ – Phước Dinh đang được khẩn trương thi công, chúng tôi trở lại khu vực nuôi trồng thuỷ sản An Hải – Từ Thiện, vào một ngày giữa đầu tháng 2 này. Hơn 3 tháng sau trận lụt đã xảy ra vào đầu tháng 11-2010, vùng tôm được đánh giá là lớn nhất tỉnh đang “trở mình” mạnh mẽ, với những dấu hiệu “hồi sinh” thấy rõ.

Đìa nuôi tôm ở thôn Từ Thiện được phục hồi và thả nuôi sau lũ.

"Sống” dậy những đìa tôm

Đoạn đường chưa đến 3km, từ ngã ba An Thạnh (An Hải – Ninh Phước) về hướng thôn Từ Thiện (Phước Dinh– Thuận Nam), có gần 100 đìa tôm. Theo ghi nhận của chúng tôi, chí ít hơn 90% trong số này, đã được bà con cải tạo, tu sửa hẳn hoi và đang thả nuôi.

Lão nông Bảy Xê – thuộc hàng “top ten” nuôi tôm ở vùng này – tiếp chúng tôi ngay trên bờ ao, vừa điều chỉnh máy sục khí. Đợt lũ đầu cuối tháng 10/2010, đã nhấn chìm gần 4 sào đìa tôm hơn 2 tháng tuổi của gia đình ông. Vậy mà chỉ hơn một tuần lễ, sau khi lũ rút, ông Bảy Xê đã “dốc toàn lực” cho việc khắc phục ao đìa. “Chỉ riêng tiền nạo vét lại đáy ao, đắp đất bờ bao, thay mới hệ thống ống dẫn nước biển đã mất đứt gần 90 triệu đồng. Thiên tai phải chịu thôi, biết sao” ông Bảy chia sẻ. “Cũng may là khi lũ về, cái ao nhỏ 400m2 vừa nuôi lứa tôm đầu tiên hồi cuối tháng 7/2010, ở vị trí cao nên không bị hư hại. Tết vừa rồi cả nhà nhờ đó mà có tiền chi tiêu…” anh Bê – con trai ông Bảy – nói vậy.

Dọc dài hơn 8km ven biển từ Hoà Thạnh – Gò Sanh (An Hải) qua Từ Thiện, đến Vĩnh Trường (Phước Dinh), với gần 400 ha đìa tôm của 2 xã vùng ven này, chúng tôi ước độ chỉ còn rải rác vài chục ao chưa được chỉnh trang. Chị Thanh – một người bán quán nước và tạp hoá ở đầu thôn Từ Thiện – cho biết chủ nhân của số đìa tôm này đang lo vốn, chuẩn bị vụ nuôi mới, bắt đầu vào khoảng giữa tháng 4 tới.

Như vậy, chỉ hơn 3 tháng, sau khi bị lũ lụt tàn phá nặng nề, đa phần ao đìa nuôi tôm ở An Thạnh, Hoà Thạnh, Vĩnh Trường, Từ Thiện đã “đứng dậy” mạnh mẽ, dấu hiệu “hồi sinh” đang từng ngày trở lại vùng đất cát nhưng quý như… vàng này.

“Đời” tôm - đời người

Tiếp chuyện với chúng tôi nhưng anh Thái chốc chốc phải… xin lỗi để nghe điện thoại di động của thương lái đặt giá mua tôm. Vài ngày trước trận lụt 2010, anh xuống giống gần 5 sào ao. Số ao đìa của anh Thái nằm ở gò cao phía Tây đường ven biển nên không bị lũ tàn phá. “May thật đó, không thì giờ này cũng phải “lu bu” sửa sang như bà con thôi” anh Thái nói. Anh bảo, độ hơn 10 ngày nữa là thu hoạch “trà” tôm đầu. “Nếu nằm giá 80-100 ngàn đồng/kg như từ Tết đến nay, chắc cũng kiếm được năm bảy chục triệu” anh Thái mỉm cười ước chừng vậy.

Cách đìa anh Thái khoảng 200m là 3 vuông tôm của hai anh em Mỹ - Thịnh. Là dân biển “chính hiệu” từ vùng quê Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), nên hơn năm trước, cả hai khăn gói vào Ninh Thuận, nhờ người bà con thuê 7 sào đìa của dân Hòa Thạnh để nuôi tôm thẻ chân trắng. “Đất cũ đãi người mới”, ngay vụ đầu giữa tháng 6/2010, anh em Mỹ - Thịnh trúng hơn 8 tấn, trừ trọn gói tiền thuê đìa 3 năm và chi phí đầu tư vẫn còn lãi gần năm chục triệu đồng. Chưa kịp mừng, vụ tôm vừa rồi cả mấy sào đìa của 2 anh em người xứ Quảng này bị lụt cào sạch. “Tính chi ly mất không dưới 150 triệu đồng đó. Nhưng thôi, làm ăn phải có lúc này, lúc nọ chớ” Mỹ bộc bạch thật lòng.

Ông Bảy Xê, anh Thái, anh em Mỹ -Thịnh và nhiều người nũa ở An Hải – Phước Dinh khi nói về cái “nghiệp” tôm – tép của mình thảy đều có chung suy nghĩ rằng đã vào nghề phải bám lấy nghề. “Nhưng để có những vụ tôm bội thu, ngoài kỹ thuật nuôi và chọn giống tốt, xem ra thời tiết và giá cả là những yếu tố rủi may. “Đời con tôm – đời người” gắn với nhau như vậy đó…” lão nông Đặng Văn Hoàng – 12 năm trong nghề - nói như trút nỗi niềm.