"Cuộc chơi dài hơi" của Trung Quốc tại Liên hợp quốc

Theo nhận định của tờ The Guardian số ra mới đây, sau nhiều năm ở vị trí không nổi bật tại Liên hợp quốc (LHQ), ngày nay, Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm những vị trí quyền lực nhất bằng cách tăng đóng góp ngân sách cho LHQ và bắt đầu thể hiện quan điểm nhìn nhận thế giới của mình trước cộng đồng quốc tế.

Theo Richard Gowan đặc trách vấn đề đối ngoại tại Hội đồng châu Âu, câu chuyện của năm 2017 tại LHQ cũng đã là "sự trỗi dậy của Trung Quốc". Gowan nhận xét việc Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại LHQ đã diễn ra từ nhiều thập kỷ, nhưng bây giờ có tốc độ gia tăng khủng khiếp. Một phần trong câu chuyện này là việc Trung Quốc đang lấp vào "khoảng trống quyền lực" mà Mỹ để lại trong một số tổ chức của LHQ như Hội đồng Nhân quyền hay Tổ chức Giáo dục, KHoa học và Văn hóa LHQ. Gowan cho rằng tại những ủy ban xử lý các vấn đề về thương mại và nhân quyền của LHQ, người Mỹ thường có thái độ "lửng lơ, không quyết đoán", trong khi người Trung Quốc thể hiện sự nổi trội và áp đảo.

Trong khi đó, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) sẽ làm yếu đi tiếng nói đặc biệt của châu Âu tại Hội đồng Bảo an (HĐBA). Từ mức đóng góp chỉ chiếm 0,3% tổng ngân sách của tổ chức Gìn giữ Hòa bình LHQ năm 2013, sau 5 năm, đến nay Trung Quốc đã nâng mức đóng góp lên 10,25%. Trung Quốc đã cam kết sẽ đóng góp 1 tỷ USD cho hoạt động gìn giữ hòa bình trong 5 năm tới. Đó chính là lý do vì sao tiếng nói của Trung Quốc tại LHQ ngày càng có trọng lượng, buộc các nước phải chú ý lắng nghe và suy ngẫm. Không những thế, Trung Quốc còn đào tạo hơn 8.000 binh sĩ thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) để làm đội quân dự phòng thường trực cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Hayley cho biết Washington đã bắt đầu cắt giảm mức đóng góp của Mỹ đối với LHQ.

Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc tìm kiếm vị thế cao trong LHQ. Mặc dù Trung Quốc đã đóng góp lực lượng tham gia đội quân gìn giữ hòa bình thế giới nhiều hơn 4 nước thành viên thường trực HĐBA cộng lại kể từ năm 2012 đến nay, nhưng vẫn không có một công dân nào của Trung Quốc được giữ vị trí cấp cao trong các cơ quan gìn giữ hòa bình. Một số nước lo ngại Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều nguồn lực tài chính và con người vào tổ chức gìn giữ hòa bình thế giới, và sự phát triển này sẽ giúp Bắc Kinh nhanh chóng trở thành "trụ cột thứ 3" của tổ chức nhân quyền. Tổ chức Human Rights Watch lo ngại sẽ bị quá tập trung vào vấn đề đối thoại và nhất trí, giảm bớt tính minh bạch và mức độ tin cậy.

Thực tế là kể từ khi tham gia trở lại Hội đồng Nhân quyền ở Geneva năm 2013 (theo quyết định của Chủ tịch Tập Cận Bình), Trung Quốc đã chuyển từ vị thế "người bí mật ủng hộ" trong chính sách "giấu mình chờ thời" thành nước lên tiếng đầu tiên yêu cầu sử dụng ngân sách LHQ cho vấn đề nhân quyền, hoặc đưa vị thế giám sát của các tổ chức phi chính phủ và dòng vốn ngoại được đưa ra để tranh luận. Trung Quốc đưa ra đề xuất nghị quyết HRC đầu tiên vào tháng 6-2017 nhằm đóng góp phát triển đảm bảo các quyền con người, hay hồi tháng 3/2018 Trung Quốc đề xuất nghị quyết về thúc đẩy hợp tác đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực nhân quyền thông qua cơ chế hợp tác "hai bên đều là người chiến thắng".

Ted Piccone viết trong báo cáo của Viện Brookings số tháng 9-2018 rằng những nghị quyết mà Trung Quốc đề xuất đều nhấn mạnh đến vấn đề chủ quyền quốc gia, kêu gọi lặng lẽ đối thoại và hợp tác thay vì tiến hành các điều tra và kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động. Trung Quốc cũng thúc đẩy mô hình nhà nước dẫn dắt phát triển như một con đường nhằm cải thiện tầm nhìn của họ về nhân quyền nói chung và ổn định xã hội nói riêng. Theo Ted Piccone, cách dùng từ ngữ của Trung Quốc đối với các vấn đề này thường chung chung và thay đổi mục đích một cách rất tinh tế. Đây cũng chính là một phần của cuộc chơi dài hơi nhằm xây dựng mô hình LHQ có lợi cho Trung Quốc.