Âm vang Mã La trong các trường học ở Bác Ái

(NTO) Qua 4 năm qua triển khai đưa nhạc cụ Mã La vào các trường học trên địa bàn huyện Bác Ái, không chỉ tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho học sinh mà còn góp phần không nhỏ vào việc truyền dạy cho thế hệ trẻ ý thức bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai.

Trong trang phục truyền thống đầy sắc màu của đồng bào Raglai, 8 em học sinh thuộc Câu lạc bộ Mã La của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) Pi Năng Tắc tự tin đánh Mã La mừng ngày khai giảng năm học mới 2018-2019. Tiết mục vừa kết thúc cũng là lúc tiếng vỗ tay không ngớt từ thầy, cô giáo và các đồng chí lãnh đạo huyện Bác Ái dành cho sự đầu tư kỹ lưỡng của các em. Được “tận mục sở thị” cách học sinh nâng niu nhạc cụ, sự nghiêm túc khi biểu diễn, chúng tôi càng thêm trân trọng sự nỗ lực của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện trong việc đưa nhạc cụ Mã La vào trường học, qua đó góp phần giữ gìn và bảo tồn nhạc cụ Mã La nói riêng và văn hóa truyền thống của người Raglai nói chung. Em Katơr Út, lớp 8A, Trường PTDTNT Pi Năng Tắc, chia sẻ: Nhìn nhạc cụ Mã La, ai cũng nghĩ rất dễ sử dụng, tuy nhiên, để sử dụng tốt Mã La lại không hề đơn giản. Chỉ khi chăm chỉ luyện tập, đặt tâm huyết, đam mê vào nó, thì chúng em mới có thể đánh ra những giai điệu trầm bổng để tạo ra những cung bậc khác nhau phục vụ cho từng lễ, hội.

CLB Mã La của trường PTDTNT Pi Năng Tắc hướng dẫn cách sử dụng nhạc cụ
cho các bạn học sinh.

Là một trong những ngôi trường vùng cao duy trì và phát triển sôi nổi các hoạt động bảo tồn nhạc cụ Mã La tại địa phương, Ban giám hiệu Trường PTDTNT Pi Năng Tắc đã có nhiều phương pháp đưa nhạc cụ Mã La đến với học sinh như: Xây dựng khu trưng bày nhạc cụ Mã La tại lớp học, tổ chức các cuộc thi đánh Mã La, giáo viên tích hợp nội dung tìm hiểu Mã La vào tiết học trên lớp, duy trì Câu lạc bộ Mã La nhằm hướng dẫn học sinh kỹ thuật sử dụng nhạc cụ sau mỗi buổi học, từ đó, nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ từ nhân dân địa phương. Thầy giáo Bùi Hữu Pha, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong 4 năm triển khai đưa nhạc cụ Mã La vào các tiết học ngoại khóa đã giúp học sinh nhà trường thêm trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình cũng như tạo sân chơi lành mạnh nhằm ngăn chặn các văn hóa độc hại, những hiện tượng tiêu cực len lỏi vào trường học.

Hiện nay trên địa bàn huyện Bác Ái có 10 trường học bán trú và nội trú đưa nhạc cụ Mã La vào các tiết học ngoại khóa. Tại đây, các trường chủ động mời các nghệ nhân đánh Mã La của địa phương đến trực tiếp hướng dẫn các em học sinh cách sử dụng nhạc cụ; đồng thời, xây dựng các câu lạc bộ, đội, nhóm đánh Mã La tại trường để tập luyện. Nhờ vậy, tạo sự hứng khởi cho học sinh khi tự chủ động tìm hiểu và học hỏi về văn hóa truyền thống dân tộc Raglai. Thầy giáo Đặng Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bác Ái cho biết, trong những năm qua, các trường tại địa phương đã duy trì hiệu quả các câu lạc bộ, đội nhóm đánh Mã La, qua đó, nhân rộng số lượng học sinh biết sử dụng nhạc cụ Mã La trong các lớp học. Có thể nói, trong năm 2018, Đội Mã La của ngành giáo dục huyện được biểu diễn tại Hà Nội là một thành tích đáng khích lệ sau nhiều năm nỗ lực giữ gìn nhạc cụ Mã La.

Trong cuộc sống bận rộn, khi mà nghệ thuật âm nhạc của người Raglai có nguy cơ mai một dần, thì thật đáng quý khi ngành Giáo dục huyện và chính quyền địa phương đã nỗ lực, vượt qua khó khăn để giữ gìn kỳ được âm vang của Mã La trong các trường học, cũng như giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai nơi đây.