Duyên hải miền Trung – Mắt xích quan trọng của du lịch Việt Nam

Miền Trung là mảnh đất có nhiều địa danh du lịch nổi tiếng, được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và các doanh nghiệp đang chờ chính quyền địa phương “mở” hơn nữa chính sách để tập trung đầu tư phát triển mạnh mẽ.

Địa phương được lợi với Năm du lịch quốc gia

Chính phủ đã đồng ý Năm Du lịch quốc gia 2019 sẽ được tổ chức tại khu vực miền Trung, trong đó trọng tâm là tại tỉnh Khánh Hoà.

Theo bà Phạm Lê Thảo (Vụ phó Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch), để phục vụ cho năm du lịch quốc gia, có rất nhiều hoạt động sẽ được Tổng cục Du lịch cũng như địa phương đăng cai tổ chức như: Xây dựng sản phẩm mới, chỉnh trang đầu tư thêm các cơ sở vật chất, hạ tầng cũng như là quảng bá rộng rãi các sản phẩm của khu vực đó ra thị trường quốc gia và thế giới.

Được biết đến như một tâm điểm du lịch biển của cả nước, với TP. Nha Trang thơ mộng bên bờ vịnh được vinh danh là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, lâu nay Khánh Hòa đã tạo dựng được thương hiệu cho riêng mình khi xây dựng được nền tảng du lịch vững chắc. Lượng du khách đến địa phương ngày càng tăng, quy mô và chất lượng du lịch, dịch vụ đang từng bước được củng cố, nâng cao. Tuy nhiên, với sự kiện Năm du lịch quốc gia, Khánh Hoà vẫn có bướckhởi đầu cho một giai đoạn mới với tư cách là địa phương đăng cai. Bên cạnh Khánh Hoà, năm 2019 các dịch vụ du lịch miền Trung đều sẽ có sự sôi động hơn, nhất là khu vực Nam Trung Bộ.

Sau khi các doanh nghiệp lữ hành đã khảo sát các sản phẩm mới, các dịch vụ mới ở khu vực ven biển miền Trung, đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ, gồm 3 tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hoà, Tổng cục Du lịch còn tổ chức toạ đàm “Phát triển sản phẩm du lịch duyên hải miền Trung” với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp lữ hành trên cả nước.

“Các doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi về những sản phẩm, những dịch vụ mà họ đã được trải nghiệm, đã được cung cấp thông tin và cùng lắng nghe những ý kiến của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn mà đoàn đã đi qua, về những mong muốn từ những nỗ lực mà họ đã làm, đã thực hiện để cho ngành du lịch có những sản phẩm du lịch tốt hơn”, bà Phạm Lê Thảo cho biết.

Các doanh nghiệp du lịch đã có cơ hội giao lưu, trao đổi với mục tiêu hướng tới tiếng nói chung giữa các nhà đầu tư, quản lý để sớm cho ra đời những sản phẩm du lịch tốt nhất, hay nhất, giới thiệu được những nét đẹp nhất, những dịch vụ hấp dẫn nhất của vùng biển duyên hải miền Trung đến với du khách.

Tiềm năng lớn nhưng rủi ro cũng lớn

Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Nhã Linh (TPHCM) Nguyễn Sơn Linh cho rằng khu vực duyên hải miền Trung có tiềm năng rất lớn, nhiều cảnh đẹp nhưng dịch vụ còn nhiều hạn chế. Nhiều du khách quốc tế phản ánh rằng họ không dám đi vệ sinh tại các điểm đến. Bên cạnh đó, còn có tình trạng nuôi trồng thuỷ sản sát nơi làm du lịch gây ra mùi khó chịu. Với cơ sở lưu trú, khách nội địa thì chấp nhận nhưng với khách quốc tế còn nhiều bất cập vì có nhiều côn trùng.

Ông Linh cho hay khi có đường bay thẳng từ Malaysia tới Nha Trang, lữ hành rất mừng nhưng để liên lạc với chính quyền địa phương để xin chính sách đầu tư lại rất khó. Ông Linh mong muốn địa phương sẽ hỗ trợ thị trường mới bằng nhiều chính sách, dù là thị trường chưa lớn.

Ông Nguyễn Trần Hùng (Công ty CP Đầu tư du lịch ACT) lại phân vân về cách tu sửa, tu tạo về khu di tích tháp cổ tại Ninh Thuận khi ông chứng kiến công nhân dùng búa gõ thẳng vào di tích cổ. Di tích lịch sử có giá trị riêng, chúng ta rất cần sự thận trọng trong tôn tạo tài nguyên, ông Hùng trăn trở.

Bà Nguyễn Thị Thương (Giám đốc OSC Vietnam Travel) cho rằng, vùng biển miền Trung nước ta rất đẹp. Nếu chúng ta quan tâm đầu tư đúng thì Việt Nam sẽ rất phát triển du lịch. Tuy nhiên, các điểm đến của chúng ta khá giống nhau, nếu không có điểm đặc sắc thì thu hút khách rất khó.

Muốn níu chân du khách, chúng ta không nên bỏ phí bất kỳ địa điểm nào. Các doanh nghiệp lữ hành nhận xét ngành du lịch đang làm rất tốt việc quảng bá nhưng cần đào tạo người dân địa phương để họ có ý thức làm du lịch bài bản. Các doanh nghệp cũng gợi mở thêm là hiện tại họ đang có nhiều đơn đặt hàng mô hình “Farm tour” (du lịch nông trại), khách nước ngoài rất quan tâm đến loại hình này, nếu các địa phương đầu tư bài bản và nhân rộng sẽ có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta phải cải thiện về vệ sinh môi trường. Với tình trạng hiện nay nếu các đoàn du lịch nước ngoài đến tham quan ngay thì rất “mất điểm” vì họ rất quan tâm đến vấn đề môi trường.

Hầu hết các khu biển hiện nay đều không có ai quản lý, lâu dần sẽ mất vẻ hoang sơ vì sự tàn phá của bàn tay con người. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà (Giám đốc Esyways Travel) cho rằng biển Ninh Thuận là điểm du lịch rất tiềm năng, tuy nhiên cơ sở vật chất để lưu trú không thể đáp ứng được đơn hàng lớn và đáp ứng một cách kịp thời. Khách sạn nhiều nhưng chất lượng lại kém. Khi tới khảo sát đảo Bình Ba, bà bị bất ngờ vì rác thải và tốc độ xây dựng đang tác động ghê gớm đến cảnh quan.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành còn cho rằng, ngoài du lịch nghỉ dưỡng, các địa phương vẫn “đói” sản phẩm để khách tham quan. Và nếu có thì sản phẩm lưu niệm chưa mang thương hiệu, chưa có xuất xứ rõ ràng, có nơi vẫn đưa cả hàng Trung Quốc vào bán trong làng nghề.

Một số doanh nghiệp lữ hành nhận xét rằng nhiều dịch vụ ở các điểm đến rất hay, giá trị tài nguyên vô cùng cao nhưng vẫn mang tính tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ và hiệu quả của các Ban quản lý điểm đến để có những sản phẩm du lịch mang tính bền vững.

Để khách du lịch được thoải mái như ở nhà

Quá trình phát triển của ngành du lịch Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế yếu kém, việc thiếu nhà vệ sinh dành cho khách du lịch hoặc có nhà vệ sinh nhưng không đạt chuẩn là một thực tế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự hài lòng của khách du lịch, làm giảm chất lượng sản phẩm du lịch cũng như hình ảnh du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, đầu tư nhà vệ sinh công cộng cần nguồn lực ngân sách không nhỏ. Chính vì vậy, tại toạ đàm của Tổng cục Du lịch, bà Phạm Lê Thảo đề nghị các địa phương nên cân nhắc triển khai văn bản của Tổng cục Du lịch yêu cầu thực hiện chiến dịch “thoải mái như ở nhà”, kêu gọi nhà dân, các nhà hàng, khách sạn cho phép khách du lịch vào sử dụng nhà vệ sinh như sáng kiến của Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Đề án “Xã hội hóa nhà vệ sinh cộng đồng trên địa bàn quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng” do Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu xây dựng đã giải quyết được vướng mắc về nhà vệ sinh cho du khách, và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Từ thực tiễn triển khai qua 4 năm, Tổng cục Du lịch đánh giá đây là mô hình tốt nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhà vệ sinh cho khách du lịch hiện nay của du lịch Việt Nam. Do đó, Tổng cục Du lịch đã xây dựng Kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình nhà vệ sinh xã hội hóa này, trước hết tại một số địa bàn du lịch trọng điểm.

Tổng cục Du lịch cũng kêu gọi, vận động các nhà hàng, khách sạn, công ty lữ hành, cơ sở mua sắm, cơ sở kinh doanh du lịch, cây xăng, nhà ga, bến cảng, điểm dừng chân…. mở cửa cho khách du lịch sử dụng miễn phí hoặc tự nguyện đóng góp kinh phí duy trì hoạt động nhà vệ sinh.

Đây cũng là một bước lớn triển khai chỉ đạo của Chính phủ và Bộ VHTT&DL về việc triển khai nhiệm vụ "Tổ chức phát động xây dựng và xã hội hóa nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch" đã được khởi động từ năm 2012.

Nguồn www.chinhphu.vn