Chuyên gia lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc

Mặc dù tình hình bất ổn kinh tế ở trong và ngoài nước nhưng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và chuyên gia trong ngành công nghiệp đều khá lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc.

Tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, David Aikman, Trưởng đại diện Văn phòng Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Trung Quốc, cho hay Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào khoa học và công nghệ và phấn đấu đạt được bước phát triển nhảy vọt. Nhiều nước mong đợi Trung Quốc đảm nhận vai trò lãnh đạo và khích lệ họ tìm kiếm con đường phát triển theo một cách thức riêng.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng 6,8% trong nửa đầu năm nay, vượt mục tiêu của chính phủ đề ra là tăng khoảng 6,5% trong cả năm nay. Mức tăng trưởng của đất nước này vẫn được duy trì ở mức 6,7-6,9% trong 12 quý liên tiếp.

Thống kê từ WEF cho thấy Trung Quốc chiếm khoảng một nửa số xe điện được sản xuất trên toàn thế giới.

Chủ tịch Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, Wan Gang cho biết trong thập niên trước Trung Quốc tuyên bố muốn giảm ô nhiễm môi trường và tích cực chống ô nhiễm. Hiện nước này đã có hơn 2 triệu xe điện hoạt động trên đường, tiết kiệm khoảng 10 triệu thùng dầu, trong bối cảnh Trung Quốc đang chuyển sang một nền kinh tế có lượng khí phát thải có carbon thấp.

Được thành lập bởi WEF vào năm 2007, cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Trung Quốc (còn được gọi là Diễn đàn Davos mùa Hè) được tổ chức hàng năm luân phiên giữa hai thành phố Thiên Tân và Đại Liên. 

Với chủ đề “Tạo dựng các xã hội sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, sự kiện kéo dài ba ngày này thu hút hơn 2.000 chính trị gia, doanh nhân, học giả và các đại diện truyền thông-báo chí để thảo luận về các vấn đề như phòng ngừa rủi ro tài chính, trí tuệ nhân tạo, việc làm trong tương lai và an ninh mạng.