Vốn viện trợ phi chính phủ Thêm “kênh vốn” thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(NTO) Trong những năm qua, tỉnh ta đã thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN).

Đặc biệt, sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 2214/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, công tác thu hút vốn viện trợ PCPNN đạt được nhiều thành quả nhất định, nguồn vốn thu hút đã tạo thêm động lực góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng, phát triển KT-XH tại địa phương nói chung.

Ninh Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, toàn tỉnh có 37 xã của 6 huyện thuộc khu vực dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, với 162 ngàn là đồng bào DTTS sinh sống, chiếm 46,5% dân số của vùng, chủ yếu là dân tộc Chăm và dân tộc Raglai. Xác định Quyết định số 2214/QĐ-TTg có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn PCPNN phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 3626/2014/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác Quốc tế hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh”, trong đó đề ra mục tiêu: Tăng cường hợp tác thu hút các nguồn lực vốn đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển KT-XH cho vùng DTTS, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; phát triển nguồn nhân lực và đào tạo đội ngũ cán bộ người DTTS; củng cố hệ thống chính trị cơ sở và giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc”.

Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã vận động và tiếp nhận được 50 dự án PCPNN, vốn hỗ trợ phát triển (ODA) với tổng kinh phí 1.416,46 tỷ đồng. Trong đó, có 38 dự án PCPNN hỗ với vốn viện trợ 183 tỷ đồng hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS ở các lĩnh vực: tiếp nhận tình nguyện viên nhằm hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; phát triển cộng đồng; phát triển KT-XH, y tế, giáo dục và giải quyết các vấn đề xã hội, viện trợ khẩn cấp và 12 dự án Hỗ trợ phát triển (ODA) với tổng vốn đầu tư hơn 1.233,4 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực giao thông, xây dựng hệ thống thủy lợi, phát triển giáo dục, hỗ trợ y tế, đào tạo nguồn nhân lực, nước sạch, vệ sinh môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu…được triển khai thực hiện trên địa bàn vùng đồng bào DTTS (chủ yếu tập trung các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam).

Cùng với các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và địa phương, việc triển khai thực hiện các dự án tài trợ trên đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng đồng bào DTTS. Bộ mặt KT-XH vùng dân tộc miền núi có sự chuyển biến rõ nét; kinh tế phát triển khá, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bước đầu mang lại hiệu quả; đời sống người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi được nâng lên, cơ bản giải quyết tình trạng hộ đói, xoá tình trạng nhà tạm, du canh, du cư, ổn định đời sống phát triển sản xuất, thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng/năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân giảm 3,4%/năm (trong đó huyện nghèo 30a Bác Ái giảm bình quân 5,6%/năm). Bản sắc văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo đồng bào dân tộc sinh sống trên khu vực miền núi được giữ gìn và phát huy. An sinh xã hội được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân.

Ngoài ra, các dự án tài trợ giúp nâng cao khả năng lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình, mục tiêu khác nhau để phục vụ dài hơi hơn cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT-XH của địa phương. Việc thực hiện các dự án trên góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sức khỏe con người, thực hiện bảo vệ môi trường và giảm nhẹ thiên tai, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nhất là các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác vận động và sử dụng nguồn viện trợ PCPNN tại tỉnh cũng còn hạn chế như chưa thu hút được nhiều dự án mới, quy mô lớn. Việc thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục cần được đẩy nhanh hơn nữa để các cơ quan, tổ chức nhanh chóng phê duyệt, triển khai các dự án từ nguồn vốn của các tổ chức PCPNN…

Để tiếp tục thu hút các nguồn vốn viện trợ PCPNN vào Ninh Thuận, trong thời gian đến tỉnh đề ra mục tiêu: Xây dựng chương trình xúc tiến vận động tài trợ PCPNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025 trên cơ sở chương trình quốc gia về xúc tiến vận động tài trợ PCPNN; đa dạng hóa các hình thức vận động viện trợ, tiếp tục tăng cường tiếp cận với các nhà tài trợ mới, các nhà tài trợ tiềm năng như: Counterpart International, World Vision, Plan International, Oxfam, Action Aid, Quỹ Quốc tế toàn cầu, KOICA… và hướng nhà tài trợ vào những dự án có quy mô lớn, bền vững, mang tính dài hạn, tập trung vào các lĩnh vực xóa đói, gỉảm nghèo, phát triển nông thôn mới; tạo việc làm, nâng cao sức khoẻ cộng đồng và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường... góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh nói chung và của vùng có đồng bào DTTS sinh sống nói riêng. Nghiên cứu thành lập Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tại tỉnh theo hướng dẫn của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến vận động viện trợ PCPNN tại địa phương. 

Đồng thời tỉnh cũng đề xuất kiến nghị Trung ương, các bộ, ngành liên quan xem xét, cho phép giải ngân các dự án ODA theo tiến độ dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và giải ngân vốn nuớc ngoài theo Hiệp định đã ký kết với nhà tài trợ; quan tâm ưu tiên điều phối, giới thiệu các dự án ODA, PCPNN cho Ninh Thuận, nhất là các dự án quy mô lớn, đầu tư nhiều năm cho công tác xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục và môi trường…