Giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước thích ứng với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

(NTO) Thực hiện Thông tư số 133/2017/TT-BTC ngày 15-12-2017 của Bộ Tài chính quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước (KBNN), từ ngày 1-2-2018, KBNN Ninh Thuận cùng với hệ thống Kho bạc trên cả nước đã chính thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến (viết tắt DVC).

Trong quá trình triển khai thực hiện, KBNN Ninh Thuận thường xuyên thông tin tuyên truyền về cơ chế chính sách và quy trình thực hiện DVC qua nhiều phương thức: thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Thuận, gửi thư điện tử đến đơn vị sử dụng ngân sách, nắm bắt đặc điểm tình hình các đơn vị giao dịch để trao đổi trực tiếp qua giao dịch hàng ngày, trực tiếp hướng dẫn cách sử dụng DVC; định kỳ và đột xuất thực hiện thông tin báo cáo UBND tỉnh và ngành cấp trên.

Cán bộ Kho bạc nhà nước tỉnh hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: V M

Đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua cho thấy, DVC mang lại nhiều lợi ích cho đơn vị sử dụng, thể hiện ở chỗ: các chức danh người dùng của đơn vị sử dụng (chủ tài khoản, kế toán trưởng, người nhập) chủ động thực hiện kê khai thông tin hồ sơ chứng từ và phê duyệt bằng chữ ký số gửi đến Kho bạc nơi giao dịch trên hệ thống; hạn chế việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu; thông tin thanh toán được bảo mật; không tốn thời gian đi lại và chờ Kho bạc kiểm soát, giảm chi phí và việc đăng ký và sử dụng DVC trong thanh toán các khoản chi của đơn vị đều không phải chịu bất kỳ khoản phí dịch vụ nào. Khi thực hiện, đơn vị luôn theo dõi và biết được hồ sơ Kho bạc xử lý như thế nào. Điều đó đã góp phần tăng tính minh bạch trong việc gửi, nhận và kiểm soát hồ sơ thanh toán qua KBNN. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đạt được, thời gian đầu triển khai thực hiện cũng còn nhiều khó khăn vướng mắc do chương trình gặp một số lỗi như: tốc độ đường truyền chậm do khi triển khai diện rộng thì lưu lượng đăng nhập rất nhiều, nhất là thời gian đầu tháng thanh toán các khoản thu nhập cho cá nhân; có thời điểm DVC không giao diện sang TABMIS buộc cán bộ Kho bạc phải nhập thủ công; quy trình thao tác nhập trên DVC còn chưa thực sự tiện ích cho người dùng... Khi phát sinh khó khăn vướng mắc, KBNN Ninh Thuận đều phản ảnh lên KBNN để khắc phục kịp thời, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho đơn vị sử dụng DVC.

Tính đến đầu tháng 9-2018 đã có 17 đơn vị sử dụng ngân sách đăng ký sử dụng DVC qua KBNN Ninh Thuận, trong đó 11 đơn vị đã thực hiện giao dịch kê khai, giao nhận hồ sơ kiểm soát chi thành công. Tuy nhiên, so với tổng số đơn vị đang giao dịch qua KBNN Ninh Thuận thì số đơn vị đã đăng ký thực hiện DVC chưa đáng kể. Do một số nguyên nhân sau: Các đơn vị giao dịch đang thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy và công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); nhiều đơn vị sử dụng ngân sách chưa quan tâm đến DVC hoặc do điều kiện đặc thù của đơn vị nên đã có văn bản đề nghị chưa đăng ký tham gia; một số đơn vị sử dụng ngân sách khác do bản thân kế toán trưởng ngại thay đổi thói quen cũ, vẫn muốn giao dịch trực tiếp tại KBNN. Một số nguyên nhân cơ bản khác khiến nhiều đơn vị sử dụng ngân sách còn gặp khó khăn là do chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất để tham gia DVC, nhất là khối ngân sách xã, phường, khối trường học, ngân sách cấp huyện, thành phố. Hệ thống máy tính của các khối này còn thiếu, hoặc nếu có thì có cấu hình thấp, chưa có đầy đủ hệ thống máy móc (máy scan, máy photocopy…) để hỗ trợ thực hiện.

Trong điều kiện hiện nay tỉnh Ninh Thuận đã và đang triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì việc đăng ký tham gia thực hiện DVC của KBNN được xem là bước đi mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa chương trình cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực KBNN; từng bước công khai minh bạch toàn bộ khâu tiếp nhận và xử lý thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua KBNN, rút ngắn thời gian thực hiện, đảm bảo vừa đáp ứng tốt nhu cầu quản lý chi NSNN, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị giao dịch với KBNN. Điều này khẳng định DVC thích ứng với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đây vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của mỗi đơn vị sử dụng ngân sách, góp phần tạo môi trường tài chính công luôn công khai minh bạch, xây dựng môi trường hành chính công thân thiện hấp dẫn các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) hàng năm.