Chuyển biến từ thực hiện Nghị quyết Tam nông

Bài 1: Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại

(NTO) Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết Tam nông) sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta có bước phát triển vượt bậc, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.

Trước năm 2008, nông nghiệp tỉnh ta với hạn chế cố hữu là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phát triển ở trình độ thấp. Bắt đầu từ năm 2009, với việc chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thực hiện Nghị quyết Tam nông, nền nông nghiệp của tỉnh phát triển khá toàn diện, tăng trưởng bình quân đạt 6%/năm.

Nổi lên là ngành trồng trọt có sự tăng trưởng mạnh nhờ phát huy lợi thế những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt năm 2018 đạt hơn 100 triệu đồng, tăng 4,1 lần so với năm 2008. Đặc biệt, tại những vùng trồng nho an toàn ở xã Xuân Hải, Vĩnh Hải, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải), Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), vùng trồng măng tây xanh tập trung ở xã An Hải (Ninh Phước) giá trị đơn vị sản xuất đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Lĩnh vực chăn nuôi cũng có bước phát triển theo hướng công nghiệp. Đến nay, tổng đàn gia súc tăng 1,6 lần so với năm 2008, đạt gần 300.000 con. Một số sản phẩm phẩm chăn nuôi như thịt cừu, dê… đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, qua đó tạo thương hiệu mạnh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Nông dân Ninh Phước áp dụng cơ giới hóa vào thu hoạch lúa. Ảnh: A.T

Đồng chí Phan Văn Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận: Đạt được kết quả, đó là nhờ sau khi có Nghị quyết Tam nông, Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Chương trình hành động, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể chỉ đạo thực hiện phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Kết quả từ thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất đã chứng minh điều đó. Nhìn lại chặng đường 10 năm phát triển của ngành Nông nghiệp để thấy, trong khó khăn và nắng hạn, nông dân trên toàn tỉnh đã linh động tổ chức lại sản xuất, biến bất lợi thành có lợi. Được sự hỗ trợ của ngành chức năng trong tuyển chọn các loại giống mới phù hợp với điều kiện hạn hán, nông dân đồng loạt thực hiện các mô hình trồng nho, măng tây xanh, rau an toàn ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, qua đó đã biến những đồng đất khô hạn trở thành vùng sản xuất cây trồng đặc thù cho thu nhập cao. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt được kết quả nhất định, tạo đột phá mới thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 4.744 ha cây trồng cạn có sự liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đặc biệt, các địa phương đã xây dựng thành công mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa, bắp, nho, áp dụng đồng nhất quy trình kỹ thuật, góp phần vào giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho nông dân.

Cùng với đó, việc chỉ đạo đổi mới hình thức sản xuất, đề cao vai trò của hợp tác xã, phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ của tỉnh cũng tạo đột phá để thực hiện hiện đại hóa nông nghiệp. Kết quả đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 130 mô hình sản xuất mới, với 6.381 hộ/15.083 người dân được hưởng thụ. Việc đẩy mạnh cơ giới vào đồng ruộng được các địa phương quan tâm thực hiện, nhất là khâu làm đất và thu hoạch lúa, góp phần mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Hiện nay, khâu làm đất và thu hoạch áp dụng cơ giới đạt 90%, tăng 35% so với năm 2008; tỷ lệ sử dụng công cụ gieo sạ hàng đạt 30% trên diện tích áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” trong canh tác lúa.

Với quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, có sự liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tỉnh đã ban hành các chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo chuyển biến tích cực. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hợp tác với nông dân sản xuất lúa giống, bắp giống, tôm giống, đưa tỉnh ta trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao trong cả nước. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến các mặt hàng nông sản cũng không ngừng tăng về số lượng. Nỗ lực của ngành chức năng, các địa phương hỗ trợ nhà đầu tư triển khai Dự án phát triển vùng nho rượu của Công ty TNHH Ladora Farm Ninh Thuận, Nhà máy Chế biến Nha đam của Công ty Thực phẩm Cánh Đồng Việt, Cơ sở giết mổ gia súc tập trung Nhật Thanh Food… sớm đi vào hoạt động có hiệu quả đã tạo ra chuỗi giá trị gia tăng mặt hàng nông sản, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Có thể nói, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong thực hiện Nghị quyết Tam nông, nền nông nghiệp tỉnh ta gần đây có nhiều chuyển biến tiến bộ. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá toàn diện, cả về quy mô, năng suất, sản phẩm; cơ cấu ngành có chuyển biến theo hướng từng bước hình thành một số cánh đồng lớn, vùng chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến; giá trị sản xuất chủ động nước, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất tăng lên. Một số sản phẩm đặc thù của tỉnh như nho, táo, tôm giống, măng tây xanh, thịt dê, cừu… đã tạo được sự đặc thù của vùng đất nắng gió cực Nam Trung Bộ.

(MỜI XEM TIẾP KỲ SAU)

Bài 2: Nông thôn khởi sắc qua thực hiện Nghị quyết Tam nông.