Chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với tình hình hạn hán

Theo cập nhật của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, tính đến ngày 7-9, dung tích 21 hồ chứa trên toàn tỉnh đang giảm mạnh, hiện chỉ còn 50,42 triệu m3, tương ứng 25,92% dung tích thiết kế. Đặc biệt, dung tích hồ Đơn Dương hiện còn 11,71/165 triệu m3, tương ứng 7,09% dung tích thiết kế và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015, 2016 và 2017. Dự báo lượng mưa năm 2018 trên địa bàn tỉnh không nhiều, chủ yếu trong 2 tháng (11 và 12-2018); do đó mực nước tại các hồ tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ngày 28-8-2018, Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 2976-CV/TU tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó với tình hình hạn hán. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ các huyện, thành ủy, các đồng chí Ủy viên Thường vụ phụ trách địa bàn tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung Chỉ thị số 51-CT/TU ngày 18-6-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh với mục tiêu cao nhất là: “Không để người dân thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt; không để đàn gia súc, gia cầm thiếu nước uống và phát sinh dịch bệnh; quyết liệt chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước theo hướng ổn định, bền vững”.

Trước mắt, tăng cường theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và nguồn nước để kịp thời có giải pháp bảo đảm nước sinh hoạt, chăn nuôi, hạn chế thiệt hại trong sản xuất và ổn định đời sống nhân dân. Đẩy mạnh công tác thông tin tình hình hạn hán để người dân biết, chủ động phòng, chống gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động dự trữ, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm và giữ gìn vệ sinh nguồn nước. Chủ động rà soát, điều chỉnh, cắt giảm diện tích gieo trồng, đảm bảo phù hợp với tình hình hạn hán, gắn với xây dựng phương án điều tiết nước tưới cụ thể cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nghiêm túc việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Có phương án hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng hạn; tăng cường giám sát vệ sinh dịch tễ, đảm bảo không để xảy ra tình trạng nhiễm dịch bệnh cho người và gia súc.

Nông dân Thuận Nam chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Ảnh: Văn Nỷ.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 5-9, UBND tỉnh cũng ban hành Văn bản số 3808/UBND-KT về việc khẩn trương rà soát toàn diện tình hình, ảnh hưởng hạn hán trên địa bàn tỉnh. Để chủ dộng nắm bắt tình hình và triển khai các biện pháp thực hiện ứng phó kịp thời, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Giao các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó với tình hình hạn hán theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để ứng phó với hạn hạn, đơn vị đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo thu hoạch dứt điểm cây trồng vụ hè - thu trước ngày 10-9, sau đó tiến hành cày ải đất, nếu đến giữa tháng 9 khi có mưa tổ chức gieo trồng vụ mùa. Ngày 6-9, đơn vị đã thành lập đoàn công tác về cơ sở phối hợp với các địa phương sà soát, nắm bắt tình hình để tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa hợp lý, tránh gây thiệt hại cho nông dân. Đến thời điểm hiện nay, nông dân đã thu hoạch được khoảng 80% diện tích cây trồng vụ hè - thu, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đang tiếp tục điều phối, cấp nước cho cây trồng ở những khu vực chưa thu hoạch đến cuối vụ.

Sản xuất nông nghiệp vụ hè- thu cơ bản ổn định, khó khăn nhất là các hộ ở thôn Suối Le, xã Phước Kháng, thôn Tập Lá, xã Phước Chiến (Thuận Bắc), xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) đã thiếu nước sinh hoạt. Đồng chí Lê Kim Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết: Bên cạnh thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp ở địa phương cũng gặp khó khăn do nước tại các hồ Bà Râu, Sông Trâu, Ma Trai xuống thấp gần mực nước chết. Huyện đã chỉ đạo các xã thông báo cho nông dân tạm ngưng sản xuất vụ mùa cho đến khi có mưa; đồng thời, kiến nghị tỉnh có phương án hỗ trợ nước sinh hoạt cho bà con ở thôn Suối Le và Tập Lá. Các huyện Thuận Nam, Bác Ái, Ninh Hải tình hình cũng tương tự. Trong khó khăn, các địa phương tập trung huy động cả hệ thống chính trị thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về ứng phó với hạn hán, ưu tiên dành nước sinh hoạt, chăn nuôi, công nghiệp, triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo duy trì sản xuất, ổn định cuộc sống của bà con ở vùng bị hạn hán.