Khoảnh khắc và Sự kiện 8-9

* Trong nước

 - Ngày 8-9-1957: Bác Hồ gửi thư cho các cháu nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu 1957.

Trong thư, Người “chúc các cháu đoàn kết, ngoan ngoãn, vui vẻ mạnh khỏe”, “chăm học, siêng làm” và “chuyển lại cho các cháu lời chào mừng thân thiết của các cháu nhi đồng các nước anh em”.

Sinh thời, dù luôn bận với việc nước, nhưng Bác Hồ vẫn luôn dành thời gian quan tâm đến thế hệ măng non, bởi theo Bác, chính những thế hệ này sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước. Bác thường có thư gửi các cháu mỗi dịp khai trường, hay Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi... Lời lẽ trong thư luôn ân cần, trìu mến, chí tình. Bác luôn nhắc thiếu nhi phải đoàn kết, thi đua học tập, lao động, rèn luyện đạo đức, rèn luyện sức khoẻ. 

- Ngày 8-9-2011: Lần đầu tiên tổ chức Giải thưởng Sách hay.

Giải thưởng Sách hay năm 2011, với chủ đề “Gạn đục khơi trong”, được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, do Dự án Văn hóa - Giáo dục Sách hay và Trường Doanh nhân PACE khởi xướng và thực hiện.

11 cuốn sách thuộc 7 lĩnh vực: lẽ sống, giáo dục, nghiên cứu, kinh tế, quản trị, văn học và thiếu nhi đã được bầu chọn. Đây là những cuốn sách hay, có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Giải thưởng Sách hay được Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) và Quỹ Phan Châu Trinh tổ chức thường niên. Sứ mệnh của Sách Hay là góp phần tìm kiếm, chọn lọc những cuốn sách hay, sách quý của Việt Nam và thế giới, làm lan tỏa những giá trị từ những cuốn sách đó một cách rộng rãi trong cộng đồng xã hội.

* Thế giới

- Ngày 8-9-1966: Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ.

Từ cuối năm 1965, UNESCO đã chọn ngày 8-9 hàng năm là Ngày Quốc tế xoá nạn mù chữ. Ngày này được kỷ niệm lần đầu tiên vào năm 1966 nhằm nâng cao tầm quan trọng của việc biết đọc biết viết đối với mỗi cá nhân và cộng đồng trong xã hội. 

Trong hơn hai thập kỷ qua, nhờ những nỗ lực quốc tế và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, tỷ lệ mù chữ trên toàn thế giới đã giảm đi rất nhiều. Mục tiêu xóa mù chữ đến năm 2030 tất cả thanh niên và một tỷ lệ đáng kể người lớn trên toàn thế giới biết đọc và biết viết.

- Ngày 8-9-2004: Đức đưa vào sử dụng nhà máy điện năng lượng Mặt trời, được xem là lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. 

Nhà máy được đặt tại Espenhain, ngoại ô thành phố Leipzig, Đức. Trên diện tích rộng 21,6 ha, các nhà khoa học lắp đặt một thiết bị hấp thụ và chuyển hoá năng lượng mặt trời thành điện năng với 33.500 môđun, công suất 5 mêgaoát, có thể cung cấp đủ điện tiêu dùng cho 1.800 hộ gia đình. 

Nhà máy ra đời, được coi là một bước tiến mới trong lịch sử năng lượng tái tạo, đã góp phần làm giảm mỗi năm 3.700 tấn khí thải cácbonníc vào khí quyển. Đức là một trong những nước đi tiên phong trong việc chuyển đổi sang các dạng năng lượng tái tạo. 

Dự kiến, năm 2022, Đức sẽ tăng nguồn năng lượng tái tạo lên 35%.