Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Bài 4: Cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ nhằm nâng cao chỉ số PCI của tỉnh

(NTO) Trong năm qua, chỉ số PCI tỉnh ta tăng 11 bậc, xếp hàng 38/63 tỉnh thành là một sự nỗ lực đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, để nâng cao chỉ số cạnh tranh, trở thành tỉnh nằm trong tốp khá về điều hành kinh tế, đòi hỏi các ngành, các cấp cần có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa.

Theo đánh giá chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian qua tuy có tăng so với trước, nhưng nhiều chỉ số thành phần vẫn còn chưa cải thiện được đáng kể. Theo phản ánh của doanh nghiệp, mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng thủ tục hành chính tại một số bộ phận còn rườm rà phức tạp; chất lượng nguồn lao động, việc tiếp cận đất đai còn khó khăn, số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp còn nhiều… Trên cơ sở đó, doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện và đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính ở các cấp, ngành; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực, công khai minh bạch các quy định thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp; tăng cường phổ biến các chính sách về đầu tư đất đai và thuế; giảm thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp và tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và nhà nước theo hướng thực chất hơn; giải quyết công việc dứt điểm nhanh chóng hơn và nâng cao năng lực quản lý của cán bộ nhà nước.

Theo ông Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để nâng cao chỉ số PCI, trong thời gian tới cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp quan trọng mang tính đột phá như: Tiếp tục đổi mới công tác đối thoại doanh nghiệp theo hướng thân thiện, hiệu quả và thực chất hơn nhằm thể hiện sự quan tâm, gần gũi, lắng nghe và chỉ đạo giải quyết tốt nhất các tồn tại, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực doanh nghiệp gặp khó khăn, như: Chính sách thuế, tiếp cận đất đai, thủ tục vay vốn ngân hàng và các thủ tục hành chính khác. Từng sở, ngành và địa phương dựa trên 128 chỉ tiêu cụ thể của 10 chỉ số thành phần theo kế hoạch giao, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, gắn với việc thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI). Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu quảng bá các hoạt động của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, để cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận được đầy đủ những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện chỉ số PCI.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh việc nâng cao chỉ số PCI, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của Tỉnh ủy về các giải pháp nâng cao PCI; thực hiện Chương trình hành động nâng cao PCI gắn với thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ; bám sát và cụ thể hóa kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ và các Chỉ thị 26, 07 của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo PCI theo Kế hoạch số 169/KH -UBND của UBND tỉnh, trên cơ sở đó các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc, có đánh giá kịp thời để tiếp tục cải thiện nâng cao chỉ số PCI với các giải pháp cụ thể, tập trung khắc phục ngay các lĩnh vực có liên quan đến những chỉ số thành phần của PCI có điểm số và thứ hạng thấp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, gắn với gặp mặt doanh nghiệp vừa qua, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Kết quả cuối cùng của chỉ số PCI là làm sao hỗ trợ cho doanh nghiệp được nhiều hơn, thu hút được nhiều nguồn lực hơn để tạo ra sự tăng trưởng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Do đó, phải xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động điều hành và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Từng ngành, địa phương phải phân tích những việc làm được, những việc chưa được để xây dựng chương trình hành động, thực hiện tốt hơn trong thời gian tới; phải thực sự đồng hành và chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư, coi thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của ngành, của địa phương và của tỉnh.

Xây dựng chỉ số PCI với bộ tiêu chí tốt là góp phần xây dựng doanh nghiệp, do đó để có chuyển biến tích cực về các chỉ số PCI, rất cần sự tham gia có trách nhiệm trong việc đánh giá các chỉ số của từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần đồng hành, tích cực tham gia đối thoại, nắm bắt thông tin về chính sách pháp luật; có tiếng nói phản ánh, kiến nghị và hiến kế để cùng tỉnh tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư. Mặt khác, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh, góp sức mình vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà. Với những nỗ lực mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn vào thực hiện các dự án trên địa bàn, tin rằng sẽ tạo động lực, sức lan tỏa mạnh mẽ để Ninh Thuận ngày càng phát triển với những đột phá trong tương lai không xa.