WEF ASEAN 2018: Du lịch thông minh với công nghệ số

(NTO) Phát triển du lịch thông minh được xem là một trong những trụ cột đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động và lan tỏa trên phạm vi rộng như hiện nay, sẽ có không ít cơ hội để du lịch thông minh phát triển nhanh và mạnh, song thách thức đi kèm cũng không hề nhỏ.

“Cú hích” từ cách mạng 4.0

Trong xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rộng, ngành du lịch thế giới đứng trước yêu cầu phát triển nhanh chóng theo mô hình “du lịch thông minh”, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Du lịch thông minh hiểu một cách khái quát nhất là việc áp dụng công nghệ thông tin nhằm tạo ra và cung cấp dịch vụ tốt nhất cho du khách thông qua sử dụng các ứng dụng trực tuyến như: cấp visa, đặt phòng, tìm đường, lựa chọn điểm đến… 

Theo số liệu thống kê của hãng Nielsen (công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu của Hoa Kỳ), doanh số du lịch trực tuyến thế giới năm 2016 đạt 565 tỷ USD, tăng 13,8%, trong đó thị trường châu Á-Thái Bình Dương vươn lên dẫn đầu thế giới về du lịch trực tuyến từ năm 2017. Theo dự đoán của Google, giá trị của du lịch trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng từ 22 tỷ USD của năm 2015 lên thành 90 tỷ USD vào năm 2025.

Ở Việt Nam, thị trường du lịch cũng đang thay đổi do sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng nhanh của du lịch trực tuyến. Theo một khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, tại Việt Nam, có 88% khách du lịch tra cứu thông tin qua mạng, trong đó, 35% thường xuyên sử dụng internet để tìm kiếm thông tin du lịch. Những yếu tố này được coi là nền tảng thuận lợi để du lịch Việt Nam phát triển, đặc biệt khi ngành du lịch đặt mục tiêu đóng góp 10% GDP và phấn đấu thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020. Mục tiêu ấy sẽ sớm trở thành hiện thực hơn nếu bắt nhịp được với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tạo thay đổi mạnh mẽ từ làm du lịch thông minh.

Ở khía cạnh vĩ mô, có thể thấy Nghị định số 07/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 25-1-2017 về quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử (e-visa) cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (danh sách có 40 nước, thời gian thí điểm 2 năm; sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP bổ sung 6 nước) là một trong những bước đột phá tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam.

Tiếp đó, nắm bắt xu thế của cuộc cách mạng 4.0, ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng này. Chỉ thị 16 đặt ra yêu cầu các ngành, các cấp phải nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng lợi thế, trong đó, du lịch cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số, quản trị thông minh. Đây là những cơ sở pháp lý để các địa phương, doanh nghiệp triển khai các giải pháp cụ thể trong du lịch. 

Để đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh, cần đến sự trợ giúp của các nhà cung cấp giải pháp dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT). Ngày 22-11-2017, Tổng cục Du lịch và Tập đoàn VNPT ký thỏa thuận hợp tác về việc tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến du khách thông qua dịch vụ, đồng thời cung cấp các giải pháp về viễn thông-CNTT cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch, sở du lịch, các doanh nghiệp du lịch và khách du lịch. Theo đó, hai bên sẽ cùng phối hợp xây dựng và triển khai Đề án tổng thể ứng dụng CNTT tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong ngành du lịch và xây dựng kiến trúc tổng thể phát triển du lịch thông minh.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong năm 2017, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thông qua việc tham khảo thông tin điểm đến trên Internet chiếm 71%. Ngoài ra, lượng du khách quốc tế đặt và mua dịch vụ trên mạng cho chuyến đi đến Việt Nam chiếm 64%.

Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Du lịch là ngành dịch vụ khép kín từ khi khách tìm kiếm địa chỉ du lịch đến khi hoàn tất chuyến đi của mình và trở về nhà. Trong mỗi khâu này cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đều có tác động. Do đó, du lịch 4.0 cũng cần được phát triển một cách thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ số để có thể tạo lập thông tin và cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch.

Hiện nay 100% các doanh nghiệp du lịch Việt Nam sử dụng website giới thiệu quảng bá sản phẩm, song chỉ có trên 50% số doanh nghiệp trong nước áp dụng thành công việc bán hàng, thanh toán online. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 10 sàn giao dịch điện từ về du lịch, chiếm khoảng 20% các sàn giao dịch dịch vụ, còn lại toàn bộ đều là sàn giao dịch điện tử nước ngoài.

Do vậy, để tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành du lịch cần nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên các chương trình chiến lược phù hợp và trên cơ sở đó ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả, tạo môi trường hệ sinh thái du lịch thông minh.

Tại Hội thảo “Ứng dụng giải pháp công nghệ số cho du lịch thông minh tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” (ngày 29-8-2018), Đại diện một số công ty du lịch cho rằng, các cơ quan quản lý, cần có chính sách thông tin; phát triển và hoàn thiện các phần mềm ứng dụng và chính sách du lịch quốc gia, khu du lịch, điểm du lịch, doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, hỗ trợ khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ mới… giúp cho doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng sản phẩm, dịch vụ du lịch tại điểm đến; đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách du lịch.