Phủ lưới vườn táo, mô hình giúp phòng sâu bệnh và nâng cao chất lượng trái cây

(NTO) Để tránh tình trạng trái táo bị ruồi vàng đục, giảm liều lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây táo, tạo ra sản phẩm táo sạch và chất lượng, hiện nay, một số nông dân trên địa bàn tỉnh đã áp dụng mô hình trồng táo theo cách phủ lưới kín vườn.

Với cách làm đơn giản, chi phí lắp đặt không quá cao, khoảng từ 12 đến 24 triệu đồng/sào, tùy vào chất lượng lưới sử dụng. Khi vườn táo chuẩn bị đến thời điểm ra hoa, người trồng chỉ cần sử dụng loại lưới mắt nhỏ khoảng 1 inch để bao trùm toàn bộ vườn táo lại. Vì vậy, cây táo như được đưa vào trong “nhà kính”, việc thụ phấn và kết trái sẽ đạt tỷ lệ cao vì tránh được nhiều loại côn trung, đặc biệt là ruồi vàng khi cây đậu trái. Theo một số nông dân ở xã Phước Hậu (Ninh Phước), sử dụng lưới bao trùm vườn táo rất đơn giản nhưng hiệu quả mang lại vượt cả mong đợi. Quan trọng nhất là tỷ lệ hao hụt trái được hạn chế và tạo ra sản phẩm táo sạch, ít sử dụng thuốc, giá trị kinh tế có thể cao gấp 2- 3 lần theo phương pháp trồng truyền thống. Qua tính toán, lượng thuốc bảo vệ thực vật khi sử dụng mô hình hình này có thể giảm được khoảng 80%.

Mô hình táo phủ lưới được áp dụng ở xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn.

Theo đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, với việc sử dụng phương pháp này các loại côn trùng rất khó tiếp cận vườn táo để gây bệnh, chất lượng trái cũng nâng lên rõ rệt. Các sản phẩm táo trồng theo mô hình này khi đưa ra ngoài thị trường cũng sẽ có giá cao. Hiện nay, mô hình này đang phát triển mạnh tại các xã Phước Hậu, Phước Thuận (Ninh Phước); xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn).

Mặc dù đã được áp dụng một thời gian, tuy nhiên để giúp nông dân hoàn thiện phương pháp này, sử dụng lưới phù hợp với điều kiện sinh trưởng từng giai đoạn của cây táo; đồng thời liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ theo hướng nông sản sạch, nâng cao giá trị trái táo thì ngành Nông nghiệp nên tiếp tục có những bước khảo sát, hỗ trợ về mặt kỹ thuật giúp nông dân mạnh dạn sản xuất và nhân rộng mô hình.