Anh Katơr Kinh Gương điển hình trong bảo vệ rừng

(NTO) Năm 2011, anh Katơr Kinh (ảnh), dân tộc Raglai ở thôn Hành Rạc 1, xã Phước Bình (Bác Ái) bị Tòa án nhân dân huyện Bác Ái tuyên phạt 4 năm tù giam về tội “phá rừng”. Nhờ cải tạo tốt, anh được ra tù trước thời hạn. Về lại địa phương, anh được xã giới thiệu tham gia vào Tổ cộng đồng bảo vệ rừng và tâm huyết với công tác bảo vệ rừng.

Với mong muốn chuộc lại lỗi lầm đã gây ra, khi trở về cộng đồng với sự giúp đỡ của gia đình, đoàn thể địa phương và cũng từ quyết tâm của bản thân, anh Katơr Kinh tham gia rất nhiệt tình trong công tác bảo vệ rừng và trở thành gương điển hình về phòng, chống phá rừng ở xã vùng cao Phước Bình. Sau đó, năm 2015 người dân địa phương tin tưởng bầu anh làm Trưởng thôn Hành Rạc 1. Anh Katơr Kinh tâm sự: Trong thời gian thi hành án, qua giáo dục, cảm hóa của cán bộ và những lần sinh hoạt với chủ đề bảo vệ rừng để giữ môi trường sinh thái bền vững, tôi càng thấy rừng rất quan trọng đối với cuộc sống của mọi người nên lòng tự nhủ phải cố gắng cải tạo tốt, mai này về lại địa phương sẽ tích cực tham gia bảo vệ rừng để chuộc lại lỗi lầm.

Được sự hướng dẫn của cán bộ về cách mưu sinh dựa vào rừng, anh Katơr Kinh đã dồn hết tâm huyết vào việc phủ xanh những mảng rừng từng bị tàn phá, bằng cách thực hiện mô hình trồng xen canh cây ngô lai với bưởi, chuối… khoảng 2 ha, phù hợp với điều kiện khí hậu để tăng thu nhập. Nhờ đó, đời sống gia đình ngày càng ổn định.

Chia sẻ với chúng tôi về cách bảo vệ rừng, anh Katơr Kinh cho biết: Phước Bình là địa phương có diện tích rừng rất lớn. Muốn đồng bào dân tộc thiểu số không phá rừng làm rẫy, tôi và các thành viên trong Tổ cộng đồng bảo vệ rừng phải gương mẫu để bà con noi theo. Bằng việc làm cụ thể, thường xuyên tuyên truyền, vận động, đến nay 470 ha rừng được Vườn Quốc gia Phước Bình giao khoán quản, toàn bộ bà con thôn Hành Rạc 1 đã tự nguyện ký cam kết tích cực bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ đó, tình trạng đốt rừng lấy đất làm rẫy, khai thác tài nguyên rừng trái phép trên địa bàn không còn xảy ra.

Về Phước Bình, chúng tôi được nghe nhiều người dân kể về anh Katơr Kinh đã tích cực tuyên truyền, vận động nhiều đối tượng phá rừng đã từ bỏ việc làm phi pháp này. Ông Pi Năng Minh, nguyên Trưởng thôn Hạnh Rạc 1, người hàng xóm với anh Kinh cho hay: Từ thời điểm anh Kinh làm trưởng thôn và tham gia vào Tổ cộng đồng bảo vệ rừng của thôn, tôi thấy những cánh rừng ở đây đã xanh trở lại... Cuộc sống của gia đình anh đã khấm khá hơn trước, nên nhiều người lầm lỗi ở địa phương đã học tập và noi theo tấm gương của anh Kinh.

Ông Katơr Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phước Bình cho biết: Những việc làm của anh Katơr Kinh đã góp phần tích cực trong công tác bảo vệ rừng. Ngoài ra, anh Kinh còn trở thành gương điển hình nông dân sản xuất giỏi của địa phương, tích cực trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ ở địa phương…