Chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản

(NTO) Xác định công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em là nhiệm vụ then chốt góp phần nâng cao chất lượng dân số, thời gian qua, Trung tâm CSSKSS tỉnh tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, mang lại kết quả đáng ghi nhận.

Ông Huỳnh Thăng Sơn, Giám đốc Trung tâm CSSKSS cho biết: Để thay đổi hành vi, thái độ và nâng cao nhận thức về công tác CSSKSS, Trung tâm đẩy mạnh truyền thông CSSKSS cho người dân bằng nhiều hình thức đa dạng như: Tư vấn, thăm hỏi trực tiếp, nói chuyện chuyên đề cho phụ nữ mang thai, cho thanh-thiếu niên; treo băng rôn, khẩu hiệu, phối hợp tuyên truyền các bản tin sức khỏe sinh sản trên trang tin của ngành... Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ, cung cấp dịch vụ CSSKSS ở cơ sở cũng được đẩy mạnh. Hiện nay, hầu hết các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đều được trang bị các thiết bị y tế phục vụ sản-nhi khá đầy đủ. Nhờ đó, bà con các xã khó khăn tiếp cận dịch vụ CSSKSS cũng thuận lợi, dễ dàng hơn. Không chỉ phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh liên quan đến SKSS của chị em, trạm y tế còn thực hiện tốt việc quản lý thai sản, khám sức khoẻ định kỳ cho các bà mẹ mang thai, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS; đồng thời làm giảm tình trạng quá tải ở tuyến trên. Đối với những huyện miền núi, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, Trung tâm thường xuyên kết hợp tổ chức chiến dịch lồng ghép về KHHGĐ, khám phụ khoa, cùng cô đỡ thôn tuyên truyền giáo dục sức khỏe, cung cấp các dịch vụ SKSS, thực hiện đỡ đẻ tại nhà với những trường hợp phụ nữ không đến sinh con tại cơ sở y tế, phát hiện và chuyển tuyến kịp thời các trường hợp nguy cơ cao, nhằm giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Nhằm trang bị kiến thức SKSS cho nữ công nhân trên địa bàn tỉnh, Trung tâm CSSKSS thường xuyên phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức các buổi truyền thông, tư vấn trực tiếp về một số nội dung như: tình dục an toàn, kiến thức về nuôi dạy con cái, tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tầm soát sớm bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư vú… Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai các hoạt động về chăm sóc SKSS vị thành niên và thanh niên tại khắp các huyện, thành phố.

Cán bộ y tế Trung tâm CSSKSS đang siêu âm thai cho bệnh nhân.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên y tế ở các tuyến cơ sở, trong những năm qua, Trung tâm thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, áp dụng những kỹ thuật mới thuộc lĩnh vực chăm sóc SKSS theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Riêng trong tháng 7, Trung tâm phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ-TP.Hồ Chí Minh tổ chức sinh hoạt các chuyên đề như: Nhiễm trùng hậu sản; điều trị và dự phòng vàng da sơ sinh; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho các bác sỹ sản-nhi, cử nhân hộ sinh của Trung tâm và Bệnh viện huyện Ninh Hải, Ninh Phước.

Chất lượng khám, chữa bệnh tại Trung tâm ngày càng được nâng cao, với nhiều dịch vụ mới như: sàng lọc trước và sơ sinh, điều trị hiếm muộn,...từng bước tạo niềm tin cho nhiều bệnh nhân. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp nhận trên 5.550 lượt bệnh nhân. Đang ngồi chờ để được siêu âm, chị Nguyễn Thị Thùy Linh, phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) chia sẻ: Trong quá trình mang thai tôi đều đến thăm, khám tại Trung tâm CSSKSS. Với thái độ nhiệt tình, cởi mở, các nhân viên cũng như y, bác sỹ đã cung cấp cho tôi nhiều kiến thức bổ ích, đảm bảo tốt sức khỏe cho mẹ và con trong suốt thai kỳ.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, thời gian qua công tác chăm sóc SKSS trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 5.979 phụ nữ mang thai thì có 97,7% thai phụ được quản lý. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được kiểm tra trên 3 lần đạt 90,2%; tỷ lệ thai phụ được tiêm phòng uốn ván đạt 85,5%; phụ nữ và trẻ em được chăm sóc sau sinh đạt 88,7%, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi 12,77% giảm 0,37% so với cùng kỳ năm 2017. Trong công tác phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, KHHGĐ cũng được các đơn vị y tế, dân số tăng cường thông qua việc khám sức khỏe thường xuyên định kỳ, thông qua các chiến dịch đưa dịch vụ SKSS về vùng sâu, vùng xa. Nhờ vậy, chị em ngày càng có ý thức tự giác đi khám phụ khoa, lựa chọn phương pháp tránh thai phù hợp. Tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản giảm dần, sức khỏe sinh sản người dân được nâng lên rõ rệt.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội, thời gian tới, Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh tiếp tục chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị, tích cực hỗ trợ tuyến y tế cơ sở, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.