Hoạt động khoa học và công nghệ phát triển lên tầm cao mới

(NTO) Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhận thức về vai trò, chức năng của khoa học và công nghệ (KH&CN) của cán bộ ở các cơ quan, đơn vị, đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực. Các cơ chế, chính sách đối với KH&CN được đổi mới, đáp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đánh giá của ngành chức năng, từ năm 2015 đến nay, hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ có bước phát triển khá, đã cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn giúp lãnh đạo tỉnh hoạch định cơ chế, chính sách, quy hoạch để phát triển kinh tế. Kết quả các đề tài, dự án được các huyện, thành phố và nhân dân ứng dụng vào sản xuất, cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực. Việc chuyển giao, ứng dụng và nhân rộng mô hình sản xuất theo công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo lợi thế cạnh tranh, phát triển sản phẩm hàng hóa, sản phẩm đặc thù gắn với chế biến, xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu được quan tâm. Nổi bật là, được Bộ KH&CN giao 8 nhiệm vụ cấp nhà nước với tổng nguồn vốn đầu tư 49,4 tỷ đồng để đầu tư phát triển KH&CN tỉnh nhà.

Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: A.T

So với trước, hoạt động KH&CN hiện nay phát triển lên tầm cao mới. Năm 2017, tỉnh đã thành lập Ban Phát triển các sản phẩm đặc thù là mô hình mới trong cả nước đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Qua đó, 160 doanh nghiệp chuyển giao đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, tiếp cận thị trường KH&CN. Lĩnh vực hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cũng được triển khai quyết liệt đã trao 22 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, 2 văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Thịt cừu Ninh Thuận”, 8 Nhãn hiệu chứng nhận và 10 Nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh. Ngành chức năng, các địa phương đã lựa chọn, xây dựng bộ tiêu chí xác lập danh mục 12 sản phẩm đặc thù, gồm: Nho, táo, tỏi, măng tây xanh, nha đam, tôm giống, rong sụn, nước mắm Cà Ná, dê, cừu, thổ cẩm Mỹ Nghiệp và gốm Bàu Trúc để tập trung chỉ đạo phát triển mạnh trong thời gian tới.

Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Hoạt động KH&CN giai đoạn 2015 - 2018 đạt được kết quả tích cực, đó là nhờ có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong triển khai kịp thời các chủ trương, định hướng phát triển KH&CN trong thời kỳ mới, hướng trọng tâm vào thực hiện giải pháp phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn tạo đột phá, như: Năng lượng tái tạo, thủy sản, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Thông qua hợp tác về KH&CN với các trường đại học và các viện nghiên cứu đầu ngành trong cả nước, năng lực của đội ngũ trí thức trong tỉnh đã từng bước được nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Năm 2010, toàn tỉnh có 9 tổ chức hoạt động KH&CN với 321 cán bộ, đến năm 2018 tăng lên 19 tổ chức với 714 cán bộ.

Kết quả đạt được là đáng ghi nhận, tuy nhiên cân phân mà nói, trình độ KH&CN của tỉnh so với cả nước vẫn còn ở mức trung bình. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức hoạt động KH&CN đủ năng lực nghiên cứu các nhiệm vụ quan trọng phạm vi cấp nhà nước, mà chủ yếu là nhận chuyển giao công nghệ. Số lượng, quy mô doanh nghiệp công nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh chưa quan tâm nhiều đến đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Một số nhiệm vụ KH&CN triển khai còn chậm tiến độ ảnh hưởng đế hiệu quả sử dụng nguồn vốn KH&CN, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ chậm nhân rộng. Nguyên nhân hạn chế được xác định do thiếu nguồn lực cán bộ KH&CN đầu ngành có trình độ chuyên môn cao, hoạt động ở môi trường quốc tế. Năng lực tài chính, trình độ công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng vùng nông thôn còn thấp, chưa có doanh nghiệp công nghệ cao làm nhiệm vụ chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Để thức đẩy KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giai đoạn từ nay đến hết năm 2020 tỉnh đề ra giải pháp về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực hiện cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN và áp dụng cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng. Tâp trung đầu tư cho các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm giải quyết các vấn đề bức thiết thuộc lĩnh vực nông nghiệp, y học, kỹ thuật công nghệ; đẩy mạnh hợp tác về KH&CN để tiếp thu công nghệ mới và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.