Ông Quảng Văn Đại - “Báu vật” của đồng bào Chăm

(NTO) Văn hóa Chăm vốn phong phú, đa dạng và có sức hấp dẫn đối với mọi người. Tuy nhiên, việc tìm hiểu, giải mã tường tận nguồn gốc từng nét đẹp trong nền văn hóa này vẫn còn nhiều hạn chế. Với mong muốn tìm hiểu, làm rõ và truyền thụ nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Chăm, ông Quảng Văn Đại (sinh năm 1939), ở thôn Chất Thường, xã Phước Hậu (Ninh Phước) đã dày công hơn 40 năm qua để dồn tâm sức và thời gian nghiên cứu về các phong tục, tập quán trong nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

 Nét đẹp văn hóa đặc sắc

Ông Đại cho biết: Văn hóa Chăm rất phong phú. Chỉ tính riêng về nghi lễ đã có khoảng 250 nghi lễ khác nhau. Trong các nghi lễ của người Chăm, lớn nhất có 3 nghi lễ, gồm: Lễ múa lớn, lễ đám tang và lễ tế trâu. Hiểu sâu được 3 nghi lễ thì coi như đã hiểu gần hết phong tục, tập quán và văn hóa của người Chăm. Ngoài các nghi lễ trên, mỗi năm, đồng bào Chăm còn có 4 lễ cúng tại tháp gồm: Lễ hội Katê; Lễ cầu an, cầu đảo; Lễ cúng nữ thần và Lễ mở cửa tháp. Trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào Chăm, “thần Yang” (những vị vua chúa, người có nhiều công trạng được người dân yêu mến, tôn vinh như những vị thần) đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đối với người Chăm, họ có khoảng 300 vị “thần Yang”.

Tuy có hàng trăm nghi lễ, nhưng hiện nay, người Chăm chỉ còn duy trì khoảng 40 nghi lễ. Trong đó, một số nghi lễ đã có đổi thay về cách hành lễ. Theo tài liệu ghi chép, trong thực hành nghi lễ đám tang, gỗ của cây xoài là loại được chọn dùng làm dàn khiêng quan tài; củi của cây me thì dùng để thiêu người chết. Thế nhưng, ngày nay, người ta có thể dùng một số loại cây khác để thay thế cho gỗ cây xoài, cây me. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho sự thay thế này nhưng theo ông Đại chính vì không hiểu rõ được giá trị văn hóa gốc của việc dùng gỗ cây xoài, cây me trong thực hành nghi lễ đám tang nên người dân khó lòng tuân thủ. Câu hỏi đặt ra là vì sao phải dùng gỗ cây xoài để khiêng quan tài và dùng củi cây me để thiêu người chết. Câu hỏi này đến ngay bản thân ông cũng chưa lý giải được và đó vẫn là một bí ẩn thú vị của nền văn hóa Chăm.

Báu vật của đồng bào

Vì mong muốn lý giải tận cùng những điều như thế mà hơn 40 năm qua, ông Đại đã dành toàn bộ thời gian đi khắp các làng Chăm ghi chép lại những phong tục, tập quán văn hóa của người Chăm và biên dịch các tài liệu, thư tịch cổ Chăm ra tiếng Việt. Đến bây giờ, dù tuổi đã cao, mắt đã kém, trí óc cũng không còn tinh thông nhưng ngày ngày bên chiếc máy vi tính cũ ông vẫn cứ miệt mài biên dịch những trang tài liệu, thư tịch cổ Chăm. Cẩn thận vuốt ve, lật giở từng trang thư tịch cổ, ông bảo rằng: Đây chính là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp tinh hoa văn hóa của đồng bào Chăm. Do đó, việc giải mã, biên dịch nó sang tiếng Việt là điều hết sức cần thiết.

Qua khảo sát Văn hóa Chăm tại 11 làng Chăm trên địa bàn tỉnh, ông thấy rằng số tài liệu, thư tịch cổ còn trên khoảng 1.000 cuốn. Bản thân ông hiện đang lưu giữ khoảng 200 cuốn tài liệu và thư tịch cổ của người Chăm, trong đó có những thư tịch cổ có niên đại hơn 100 năm. Với sự am hiểu về ngôn ngữ Chăm cùng sự cần mẫn, chịu khó, đến nay, ông đã dịch được 10 truyện cổ, 10 truyền thuyết người Chăm và xuất bản cuốn sách “Cẩm nang nghi lễ truyền thống Chăm Ninh Thuận” dày hàng trăm trang. Tháng 7-2015, ông Đại bàn giao 45 cuốn thư tịch cổ Chăm dày 2.424 trang cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia II tại TP. Hồ Chí Minh xử lý, tu bổ, bồi nền, đóng quyển và số hóa để lưu giữ làm tư liệu. Ông đồng ý sao tặng cho Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận một bộ để phục vụ công tác nghiên cứu.

Hiện nay, ông là một trong những trí thức Chăm có thể đọc, biên dịch được tiếng Chăm ra tiếng Việt trên địa bàn tỉnh ta. Với sự am hiểu về các phong tục, lễ nghi, ông được xem là “báu vật”, là “kho từ điển sống” của người Chăm Ninh Thuận. Cũng chính vì lẽ đó mà nhiều năm qua, căn nhà ông Quảng Văn Đại trở thành địa chỉ ghé thăm thường xuyên của nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài tỉnh. Ông Đại cho biết thêm: Khó khăn lớn nhất trong quá trình biên dịch các thư tịch cổ Chăm ra tiếng Việt chính là vấn đề ngôn ngữ. Bởi trong các thư tịch cổ, người viết sử dụng rất nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Ả Rập, Ấn Độ, Malaysia… thi thoảng lại xen chữ Phạn (Sankrit-Bắc Phạn), chữ Pali (Nam Phạn) hay chữ Chăm truyền thống biến tấu bằng cách thêm vào một số “dấu treo” hoặc thậm chí là kiểu viết tắt bằng một dãy chữ cái được gọi là “ngôn ngữ bí ẩn”. Rất nhiều chữ ông không đọc được, một số chữ đọc được nhưng cũng không hiểu hết về nghĩa của nó.

Chính vì thế ở tuổi ngoài 80, điều ông Đại mong mỏi nhất là nhận được sự quan tâm của những nhà nghiên cứu văn hóa, nhà xuất bản để những tài liệu, thư tịch cổ Chăm được biên dịch một cách bài bản và phổ biến rộng rãi đến với nhiều người. Để mai này, khi ông không còn đủ sức khỏe, sự minh mẫn thì những tài liệu quý này vẫn được lưu giữ, bảo quản cẩn thận và luôn là “linh hồn” của đồng bào Chăm.