Phục vụ nhu cầu đi lại và đảm bảo ATGT trong dịp Lễ Quốc khánh 2-9

(NTO) Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, được nghỉ 3 ngày, do đó nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, các đơn vị chức năng đã chủ động phương án phục vụ, tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.

Tăng lượng vé phục vụ hành khách trong dịp lễ

Nhằm phục vụ hành khách trong dịp lễ với lượng khách dự kiến tăng 30-40% so với ngày thường, các nhà xe trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng phương án, tăng lượng xe và lượt quay đầu xe để đáp ứng nhu cầu khách đặt vé. Ông Nguyễn Đăng Tân, Trưởng phòng Điều độ-Bến xe khách tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 187 xe khách phục vụ 22 tuyến từ Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đi các địa phương trong và ngoài tỉnh, trong đó tập trung tuyến Phan Rang-Sài Gòn, với 76 xe, thuộc 11 đơn vị, doanh nghiệp. Trong dịp lễ 2-9, Bến xe đã phối hợp với các đơn vị vận tải hành khách tăng cường lượng xe từ 31 chuyến/ngày lên 59 chuyến/ngày, phục vụ nhu cầu khoảng 4.000-4.500 khách/ngày. Trong dịp lễ này, các nhà xe được cơ quan chức năng cho phép tăng giá vé tối đa không quá 30% để bù cho chiều rỗng khách và có giá từ 190.000-220.000 đồng/giường nằm.

Công ty Đường sắt Sài Gòn đã tăng cường thêm 4 đôi tàu chạy tuyến Nha Trang-Sài Gòn.

Đối với vận tải đường sắt, ngoài 7 đôi tàu Thống Nhất thường ngày dừng đón khách tại ga Tháp Chàm, trong dịp lễ, Công ty Đường sắt Sài Gòn đã tăng cường thêm 4 đôi tàu chạy tuyến Nha Trang-Sài Gòn, dừng đón, trả khách tại ga Tháp Chàm, nâng số ghế phục vụ tại mỗi chuyến tàu từ 100-200 lượt hành khách. Do nhu cầu tăng cao, giá vé tàu cũng đã được điều chỉnh tăng lên từ 20 đến 30% so với ngày thường. Cụ thể vé ghế ngồi mềm mác tàu SNT (Sài Gòn-Nha Trang) xuất phát tại tỉnh ta đi TP. Hồ Chí Minh có giá 424 ngàn đồng, tăng gần 150 ngàn đồng/vé. Bà Phan Thị Hồng Tơ, Tổ trưởng Tổ vé, ga Tháp Chàm cho biết: Nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc mua vé tàu, phòng vé tại ga Tháp Chàm mở cửa bán vé 24/24 giờ sẵn sàng phục vụ hành khách. Bên cạnh đó, còn tổ chức các điểm, đại lý bán vé tại trung tâm Tp. Phan Rang Tháp Chàm, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) và thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải). Trước lễ, phần lớn hành khách đã chủ động đặt vé, nên lượng vé còn lại không nhiều. Trường hợp khách trả lại vé sẽ được đưa lên hệ thống để bán cho người có nhu cầu tiếp theo.

Đảm bảo an toàn giao thông

Qua tìm hiểu thực tế tại tỉnh ta, vào dịp lễ cũng là thời điểm gia tăng các hoạt động “xe dù, bến cóc”, chèo kéo, bắt khách dọc đường, tùy tiện tăng giá vé, chở quá số người quy định. Theo tìm hiểu tại Bến xe khách tỉnh, hiện nay chỉ mới 80% số lượng xe đăng ký tuyến cố định, còn lại vẫn còn núp bóng xe chạy hợp đồng, đón trả khách tùy tiện, không vào bến theo quy định. Để trốn tránh sự quản lý của lực lượng chức năng, hầu hết các phương tiện đều tắt giám sát hành trình, chạy vòng vèo trong phố để đón khách. Ông Nguyễn Đăng Tân, Trưởng phòng Kế hoạch, Bến xe khách tỉnh cho biết thêm: Vào các đợt cao điểm, khi lực lượng chức năng tăng cường tuần tra xử lý, tình trạng vi phạm được chấn chỉnh, nhưng khi lực lượng chức năng không có mặt, hoạt động lại tái diễn rất phức tạp làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà xe chấp hành tốt quy định của nhà nước.

Trong dịp lễ, vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đường thủy tại các bến tàu du lịch, phục vụ du khách cũng rất đáng lo ngại, do lượng khách tới tỉnh ta ngày càng tăng, nhưng năng lực, chất lượng phục vụ đối với các nhà hàng nổi còn hạn chế, do đó lực lượng chức năng đã có kế hoạch tổ chức kiểm tra nhằm nhắc nhở, chấn chỉnh các hoạt động chuyên chở khách du lịch tham quan trên biển, đảm bảo an toàn, đúng quy định. Chú trọng nhất là việc trang bị các thiết bị an toàn, sử dụng phương tiện đảm bảo kỹ thuật, chở đúng số người quy định.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc đảm bảo an toàn giao thông dịp lễ, các lực lượng chức năng tăng cường việc tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm; tập trung xử lý các lỗi vi phạm có nguy cơ gây tai nạn giao thông như: lạng lách đánh võng, uống rượu bia quá nồng độ cồn cho phép, chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ và phòng chống đua xe trái phép, tụ tập gây mất an ninh trật tự và ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo an toàn giao thông tại các “điểm đen” trên quốc lộ 1A, đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt và đường nội thị. Theo ông Trương Phi Hùng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, trong dịp lễ, lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông tăng cao là nguy cơ tiềm ẩn tăng số vụ tai nạn giao thông, gây thiệt hại về người và tài sản. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, tuân thủ nguyên tắc lái xe an toàn, chú ý quan sát khi chuyển làn, sang đường, hạn chế thấp nhất những rủi ro khi tham gia giao thông trong những ngày lễ.