Bình luận - phê phán

Sự thật không thể chối cãi!

Bài 1: Một chế độ “không tự nuôi nổi nó”!

Nhiều năm qua, đã thành quen thuộc, mỗi dịp người dân cả nước hân hoan hướng tới, kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc như Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9… lại xuất hiện những tiếng nói lạc lõng, không chỉ ở nước ngoài mà cả ở trong nước, rêu rao về sự “hùng mạnh, giàu có của Việt Nam Cộng hòa”, từ đó xuyên tạc con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, phủ nhận các thành tựu của đất nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được trong hàng chục năm qua. Đáng tiếc, lại có người mơ hồ tin theo, vô tình tiếp tay cho kẻ xấu, mà không hiểu rõ, đó là luận điệu dối trá để đầu độc dư luận, thực hiện mưu đồ làm “sống lại” một chế độ bán nước, hại dân đã bị xóa sổ gần nửa thế kỷ.

“Những năm 1960, kinh tế của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đứng thứ nhì châu Á, chỉ đứng sau Nhật Bản, nếu VNCH thắng trận thì bây giờ kinh tế Việt Nam đứng ở top đầu châu Á, chỉ kém Nhật Bản; còn Singapore (Xin-ga-po), Malaysia (Ma-lai-xi-a), Hàn Quốc, Thái-lan, Indonesia (In-đô-nê-xi-a) không thể sánh bằng”(!) - đó là luận điệu mà một số kẻ vẫn rêu rao về sự “hùng mạnh, giàu có của VNCH”. Tuy nhiên, thực tế lịch sử và đánh giá của giới nghiên cứu lại chỉ rõ một sự thật khác mà ở đó, điều họ rêu rao chỉ là chiếc áo sặc sỡ khoác lên một cơ thể không có sinh khí với nguồn sống duy nhất là viện trợ, qua các số liệu: từ năm 1954 đến 1975, VNCH nhận hơn 26 tỷ USD viện trợ của Mỹ (khoảng 197,6 tỷ USD theo thời giá năm 2015), trong đó khoảng 10 tỷ USD viện trợ kinh tế, 16 tỷ USD viện trợ quân sự, ngoài ra còn các viện trợ khác… Nhưng đó chưa phải tất cả, vì còn chi tiêu trực tiếp của hơn 500 nghìn quân Mỹ và hàng chục nghìn binh lính đồng minh tại miền Nam Việt Nam trong hàng chục năm. Theo các nhà nghiên cứu, tính đầy đủ thì Mỹ từng rót vào miền Nam số tiền lên đến hơn 160 tỷ USD (khoảng 1.216 tỷ USD theo thời giá năm 2015). Trong khi đó, từ năm 1954 đến 1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) được viện trợ xấp xỉ bảy tỷ USD (khoảng 53 tỷ USD theo thời giá năm 2015), bao gồm hơn 3,5 tỷ USD viện trợ quân sự. Cho nên mấy kẻ vẫn biện hộ rằng, VNCH sụp đổ vì VNDCCH được viện trợ nhiều hơn, cần đối diện với sự thật là từ năm 1954 đến 1975, VNCH được viện trợ gấp gần bốn lần so với viện trợ mà VNDCCH đã nhận. Đơn cử năm 1974, theo ước tính của CIA, viện trợ quân sự của Mỹ cho VNCH là 1,7 tỷ USD, gấp hơn bốn lần viện trợ VNDCCH đã nhận cùng năm là 409 triệu USD, chưa kể trong cùng năm, Mỹ còn dành 657 triệu USD viện trợ kinh tế cho VNCH. Có thể lý giải cơ sở khoản viện trợ khổng lồ của Mỹ qua ý kiến của Thượng nghị sĩ J.F Kennedy (J.F Ken-nơ-đi, sau là Tổng thống Mỹ) vào ngày 1-6-1956: “Nếu chúng ta không phải là cha mẹ của nước Việt Nam bé nhỏ thì chắc chắn chúng ta cũng là cha mẹ đỡ đầu của nó. Chúng ta chủ tọa lúc nó ra đời, chúng ta viện trợ để nó sống, chúng ta giúp định hình tương lai của nó… Đó là con cái của chúng ta - chúng ta không thể bỏ rơi nó, chúng ta không thể không biết tới các nhu cầu của nó”!

Giới nghiên cứu cũng cho biết, thu nhập quốc dân của VNCH chưa bao giờ vượt quá hai tỷ USD/năm, nhưng trong 5 năm cuối cùng của chiến tranh Việt Nam (1971-1975), Mỹ đã viện trợ hơn 2 tỷ USD/năm. Vì thế, 65% thu nhập của VNCH là từ viện trợ của Mỹ, số tiền này chủ yếu để chi tiêu chính phủ, nhập hàng hóa tiêu dùng. Đáng nói, viện trợ không được sử dụng làm vốn đầu tư cho phát triển, bởi bản chất vấn đề là ở chỗ: khi Mỹ sử dụng viện trợ để nắm chặt yết hầu, chi phối mọi hoạt động, thì một chế độ bù nhìn muốn tự cường cũng không thể thực hiện. Như với việc lập dự trữ ngoại tệ quốc gia chẳng hạn, theo ông Vũ Quốc Thúc - người từng là Thống đốc Ngân hàng quốc gia, Quốc vụ khanh đặc trách tái thiết hậu chiến của VNCH, thì: “Điều này không thể giấu được con mắt của người Mỹ, nhập bao nhiêu, xuất bao nhiêu, bán những gì họ đều nắm và quyết định. Khi họ thấy quỹ ngoại tệ đầy lên một chút thì việc nhập khẩu xăng dầu họ bắt phải trả bằng ngoại tệ sở hữu, không viện trợ nữa, do đó có để dành cũng vô ích, vì cuối cùng để dành lại phải chi tiêu, viện trợ bị cắt giảm. Chính cách xử sự đó của người Mỹ đã đẩy các nhà quản lý ở miền Nam Việt Nam vào xu hướng ỷ lại. Tự lực tự cường không nổi, vì nếu tự lực tự cường thì viện trợ Mỹ cắt giảm, có khi thiệt hại hơn là không tự lực, tự cường”.

Sự thật thì chính quyền VNCH chưa bao giờ đặt mục tiêu ích nước, lợi dân làm tiêu chí hàng đầu, cơ bản cho chế độ, mà chỉ trông chờ vào viện trợ của Mỹ. Như trong cuốn Vietnam, the ten thousand day war (Việt Nam, cuộc chiến mười nghìn ngày) xuất bản tại London (Luân Đôn) năm 1982, tác giả M.McLear (M.Mắc-lia) dẫn lời của Nguyễn Văn Thiệu: “Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Độc Lập”. Tự thân câu nói cho thấy thực chất “hùng mạnh, giàu có của VNCH” là gì. Cho nên, không cần phải làm việc, chỉ cần kìm kẹp nhân dân theo ý muốn của nước ngoài để được nuôi nấng, có thể phần nào đánh giá đó là lẽ sống của VNCH. Có thể thấy khá rõ điều này từ việc thực hiện âm mưu chia cắt đất nước, chính quyền bỏ mặc nông dân trong cảnh khốn đốn, buộc người dân miền Nam phải loay hoay tìm cách sản xuất trong điều kiện thiếu thốn. Vì thế, sống trên vùng đất có các cánh đồng rộng lớn, phì nhiêu hàng đầu của châu Á mà chính quyền, người dân hoàn toàn phải sống nhờ hà hơi, tiếp sức và viện trợ lương thực từ nước ngoài, như tờ Công luận ngày 1-9-1968 xuất bản tại Sài Gòn - nay là TP.Hồ Chí Minh, đã cảnh báo: “Người Việt Nam sẽ sa vào một tấm thảm kịch, đó là thảm kịch không tự nuôi sống mình được. Chỉ trông vào hàng hóa, lúa gạo nhập cảng, thì sợ có ngày vì cái ăn, cái mặc mà phải sa vào cảnh tự sát của một quốc gia”.

Sau khi Hiệp định Paris (Pa-ri) được ký tháng 1-1973, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam; viện trợ cho VNCH cơ bản bị cắt giảm và chi phí của người Mỹ ở VNCH cũng giảm theo. Khi “bầu sữa” không còn dồi dào như trước, nền kinh tế của VNCH nhanh chóng lâm vào khủng hoảng trầm trọng: Chỉ trong năm 1973, sản xuất nông nghiệp giảm đến 20%; hàng loạt xí nghiệp phải đóng cửa vì nguyên, vật liệu khan hiếm và giá cao; 750 nghìn người sống bằng lương của Mỹ bị mất thu nhập… Các thống kê cho biết, đến tháng 9-1973, ở miền Nam có hai triệu người thất nghiệp, 50% số này sống ở Sài Gòn. Chỉ trong năm 1973, số người ăn xin ở Sài Gòn tăng gấp hai lần so các năm trước, lạm phát gia tăng với tốc độ chóng mặt khiến kinh tế càng suy sụp. Để cứu vớt một chế độ vốn đã ốm yếu đang tiếp tục suy kiệt, chính quyền VNCH đã phải đặt ra nhiều thứ thuế nhằm tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, trong năm tiếp theo, khi viện trợ của Mỹ đã giảm xuống mức rất thấp thì tình hình còn bi thảm hơn nữa.

Để tô vẽ một chế độ không thể tự tồn tại, lấp liếm bằng việc lấy mức sống ở đô thị có được nhờ viện trợ của nước ngoài để so sánh, một số kẻ cố tình bỏ qua, “đánh bùn sang ao” các khó khăn của VNDCCH để xuyên tạc sự khác biệt về bản chất. Một nghiên cứu của Đại học Brussels (Brúc-xen - Bỉ) về GDP bình quân đầu người giữa VNDCCH và VNCH trong giai đoạn 1955 - 1975 đã đưa ra các số liệu chi tiết. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người trên năm của VNDCCH khá ổn định, cụ thể: năm 1956 là 40 USD, năm 1960 là 51 USD, năm 1964 là 59 USD, năm 1970 là 60 USD, năm 1974 là 65 USD. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người trên năm của VNCH lại rất thất thường, cụ thể: năm 1956 là 62 USD, năm 1960 là 105 USD, năm 1964 là 118 USD, năm 1970 tụt xuống còn 81 USD, đến năm 1974 chỉ còn 65 USD; sự suy giảm này tỷ lệ thuận với sự suy giảm viện trợ của Mỹ. Đó là cơ sở để tác giả Đặng Phong đã nhận xét: “Nền kinh tế miền Nam trước 1975 tuy có vẻ ngoài phồn vinh nhưng giả tạo ở chỗ nó không tự nuôi nổi nó”; còn trên BBC, thì TS J.M.Carter (J.M.Các-tơ) ở Đại học Drew (Đờ-ru-Mỹ), tác giả cuốn Inventing Vietnam: The United States and State Building, 1954-1968 (Các cố gắng của Mỹ trong khi xây dựng nhà nước ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1968) xuất bản ở Mỹ năm 2008, vạch rõ VNCH chỉ là một “nhà nước hư cấu”, “chính thể Sài Gòn không thể nuôi chính mình; thậm chí không thu đủ lợi tức cho hoạt động hàng ngày. Họ phải phụ thuộc vào viện trợ Mỹ”.

Phải thấy rằng, giai đoạn 1955 - 1975, VNDCCH đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, cùng lúc vừa phải tiến hành công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, xây dựng xã hội mới, vừa hỗ trợ miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong bối cảnh ấy, VNDCCH nhận được sự ủng hộ chí tình, chí nghĩa của bè bạn yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là các nước trong khối XHCN. Cần nhấn mạnh là VNDCCH đã sử dụng viện trợ một cách rất hiệu quả để khôi phục, phát triển kinh tế, như: trang bị, xây dựng khoảng 900 công trình công nghiệp và các ngành kinh tế; nhập máy lẻ, nguyên liệu, phương tiện vận tải, lương thực, thực phẩm, may mặc và các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Đáng chú ý, việc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân với miền Bắc đã gây thiệt hại nặng nề, kinh tế VNDCCH bị ảnh hưởng nghiêm trọng, công nghiệp nặng hầu như bị phá hủy hoàn toàn. Nhưng với nỗ lực, quyết tâm của chính quyền và nhân dân, hoạt động lao động sản xuất vẫn được tổ chức hợp lý để phù hợp với điều kiện chiến tranh. Vì thế, năm 1965 VNDCCH có 1.132 xí nghiệp (205 xí nghiệp trung ương, 927 xí nghiệp địa phương) thì đến năm 1969 đã có 1.352 xí nghiệp (277 xí nghiệp trung ương, 1.075 xí nghiệp địa phương). Và “Mỗi người làm việc bằng hai” trở thành khẩu hiệu hành động của nhân dân miền Bắc, các phong trào thi đua yêu nước diễn ra rất sôi nổi trên mọi lĩnh vực đời sống, như: “Ba nhất” trong quân đội, “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” trong thanh niên, “Ba đảm đang” trong phụ nữ, “Ba quyết tâm” trong trí thức, “Hai tốt” trong giáo dục… Dù gian khổ, dù thiếu thốn trăm bề, nhưng lòng yêu nước, ý chí tự cường vẫn luôn là động lực để nhân dân miền Bắc vượt mọi khó khăn, vừa lao động sản xuất xây dựng đời sống, vừa hỗ trợ và chi viện nhân dân miền Nam kháng chiến chống Mỹ.

Đó là kỳ tích không thể phủ nhận, đồng thời chứng minh sự sáng suốt, đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong khi xác định chiến lược, tổ chức, động viên, huy động sức người, sức của của toàn dân phấn đấu vì độc lập, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

(Theo Báo Nhân Dân)