Kỷ niệm 60 năm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II: Kim Bình tự hào cùng lịch sử

Đến với Kim Bình, du khách không chỉ được hiểu thêm về lịch sử của dân tộc, hiểu thêm về vùng đất mà Bác Hồ từng sống và làm việc trong những năm tháng kháng chiến hào hùng mà còn được tiếp xúc với những giá trị văn hoá đặc sắc, truyền thống lâu đời của các dân tộc ít người miền núi.

Đưa chúng tôi về thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa), nơi cách đây 60 năm diễn ra Đại hội lần thứ II của Đảng - đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức trong nước và là đại hội duy nhất được tổ chức tại địa phương ngoài thủ đô Hà Nội, Bí thư Đảng ủy xã Đào Ngọc Vang tranh thủ cung cấp thông tin về tình hình kinh tế xã hội của địa phương.

Toàn xã hiện có 1.097 hộ, với 4.709 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, Dao... những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, đời sống của nhân dân trong xã thay đổi từng ngày.

Đường giao thông đến các thôn bản được đầu tư, nâng cấp, các thôn đã làm mới được hơn 9 km đường bê tông; 100% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; điện lưới quốc gia đã về đến tất cả hộ dân trong xã; hệ thống trường học đã đủ các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông; sóng phát thanh, truyền hình, báo chí của địa phương và trung ương đã đến tận các thôn bản, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được phổ biến nhanh chóng đến mọi người dân.

Nhờ đó, nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất, tăng thu nhập lên trên 700.000 đồng/người/tháng, từ một xã không đảm bảo về lương thực đến nay bình quân lương thực đạt trên 500 kg/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 50,4% năm 2006 xuống còn 12,3%.

Khu di tích lịch sử Kim Bình là niềm tự hào của Chiêm Hóa nói riêng và của cả tỉnh Tuyên Quang. Đây là một quần thể gồm 22 điểm di tích ghi nhận các sự kiện nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.

Năm 2005, UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt dự án đầu tư tôn tạo, phục hồi lại khu di tích trên tổng diện tích gần 9 ha, trong đó phục dựng lại 4 hạng mục chính, gồm: Hội trường nơi tổ chức Đại hội II, nhà ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, cổng chào đại hội.

Công trình hoàn tất vào dịp kỷ niệm 118 năm Ngày sinh của Bác Hồ, trở thành địa điểm tổ chức nhiều sự kiện lớn của huyện và tỉnh như: lễ báo công 40 năm thực hiện di chúc của Bác; lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam...

 Khu di tích lịch sử Kim Bình luôn thu hút đông đảo khách tham quan.

Bí thư Đảng ủy xã Kim Bình Đào Ngọc Vang cho biết, từ khi được tôn tạo, Khu di tích lịch sử Kim Bình đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh, trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đến tham quan. Hiện nay khu di tích đang trở thành điểm du lịch lịch sử hấp đón hàng ngàn lượt du khách mỗi năm.

Từ những giá trị lịch sử của vùng quê cách mạnh này, Kim Bình sẽ phát huy mọi tiềm năng để phát triển du lịch. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015 xác định: “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, chủ động, sáng tạo, phát triển”, với các chỉ tiêu cụ thể: phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 9,6 triệu đồng/người/năm, 90% hộ dân được sử dụng nước sạch, giải quyết việc làm mới cho 250 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20% theo tiêu chí mới, 70% số thôn, bản đạt danh hiệu thôn bản văn hóa...

Ông Ma Đình Duy, thôn Đồng Ẻn, xã Kim Bình thay mặt bà con nhân dân trong xã bày tỏ với chúng tôi niềm tự hào và vinh dự là người dân xã Kim Bình, nơi đã diễn ra Đại hội II của Đảng.

Ông cho biết bà con nhân dân trong xã luôn nêu cao ý thức vươn lên, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Chủ động, tích cực tham gia xây dựng quê hương, trong những năm qua được nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân các thôn bản phấn khởi bắt tay vào làm đường giao thông nông thôn. Tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó. Các gia đình giúp nhau cùng phát triển sản xuất, động viên, tư vấn, giúp đỡ về vốn và kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Bà con nhân dân các dân tộc trong xã còn đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, giàu bản sắc dân tộc.

Những phụ nữ dân tộc luôn niềm nở chào đón khách trong khi tay còn mải đan lát nghề truyền thống của địa phương, phần để giữ nghề cha ông, phần là món quà lưu niệm xinh xắn cho mỗi chuyến du lịch của khách phương xa.

Đến với Kim Bình, du khách không chỉ được hiểu thêm về lịch sử của dân tộc, hiểu thêm về vùng đất mà Bác Hồ từng sống và làm việc trong những năm tháng kháng chiến hào hùng mà còn được tiếp xúc với những giá trị văn hoá đặc sắc, truyền thống lâu đời của các dân tộc ít người miền núi.

Nguồn Báo SGGP