Hoạt động của các ngành, địa phương

* UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Việc xây dựng hồ sơ nhằm nâng cao nhận thức và hành động của Chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm ở Việt Nam. Qua đó, góp phần tôn vinh nghề thủ công truyền thống của dân tộc; đồng thời quảng bá, giới thiệu nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm ở quy mô quốc gia và quốc tế. 

* Ngày 28-8, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công Thương tỉnh trao 35 suất học bổng Nguyễn Thị Định cho nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn của các trường học trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 14 suất cho học sinh TH, trị giá 800.000 đồng/suất; 14 suất cho học sinh THCS, trị giá 1.000.000 đồng/suất và 7 suất dành cho học sinh THPT, trị giá 1.200.000 đồng/suất. Toàn bộ số tiền trên được trích từ Quỹ học bỗng Nguyễn Thị Định của Hội LHPN tỉnh, do Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công Thương hỗ trợ. Đây là nguồn động viên giúp nhiều nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn có thêm niềm tin, nghị lực vượt khó, giành nhiều thành tích cao trong học tập. 

Ảnh Uyên Thu.

* Ngày 28-8, Trường Chính trị tỉnh tổ chức lễ khai giảng lớp bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp hành chính, văn hóa công sở năm 2018 cho 146 cán bộ, công chức thuộc các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.

Trường Chính trị tỉnh tổ chức lễ khai giảng lớp bồi dưỡng kỹ năng
giao tiếp hành chính, văn hóa công sở năm 2018. Ảnh Trần Phương

Trong thời gian 4 ngày, các học viên được tìm hiểu các chuyên đề như: Giới thiệu về giao tiếp hành chính; phong cách giao tiếp hành chính; kỹ năng nghe, nói; kỹ năng thuyết phục, xử lý xung đột trong giao tiếp hành chính với công dân, tổ chức; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng xây dựng văn hóa công sở…. Lớp bồi dưỡng được tổ chức nhằm giúp cho cán bộ, công chức hiểu được đặc điểm, vai trò, cách thức cũng như trách nhiệm trong xây dựng văn hóa công sở; những quy định về đạo đức và văn hóa giao tiếp, các kỹ năng giao tiếp ứng xử với cấp trên, với đồng nghiệp và nhân dân tại nơi công sở. Trần Phương

* Hội Nông dân tỉnh vừa phối hợp với UBND xã Thanh Hải (Ninh Hải) tổ chức ra mắt Mô hình điểm “Nông dân thu gom rác thải khu vực làng nghề khai thác hải sản gắn với tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường biển”.

Ảnh Xuân Nguyên.

Mô hình được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trang bị 12 xe thu gom, vận chuyển rác; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho hơn 100 hội viên... với tổng kinh phí 100 triệu đồng.

Theo kế hoạch, Ban vận động thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường như quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải, nạo vét cống, rãnh thoát nước nơi công cộng... từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân trong việc xây dựng cảnh quan, môi trường ở khu vực làng nghề ngày càng xanh, sạch, đẹp, đảm bảo môi trường sống an toàn.

* Thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) vừa tổ chức Lễ hội Lăng Thần Nam Hải. Đây là lễ hội truyền thống của cư dân vùng biển được tổ chức 3 năm một lần. Năm nay, Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, với nhiều hoạt động, như: Rước Ngư Ông; múa Náp; hát bài chòi…. với nội dung tri ân các vị thần; cầu mong mưa thuận gió hòa, ngư dân bình an, mùa màng bội thu,...

Ảnh Văn Miên.

* Ngày 28-8, Đồn Biên phòng Vĩnh Hy (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) tổ chức tuyên truyền pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa cho hơn 45 thuyền trưởng, chủ phương tiện tàu cá và các doanh nghiệp hoạt động du lịch tại vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Tại buổi tuyên truyền, các thuyền trưởng, chủ phương tiện tàu cá và các doanh nghiệp được thông tin một số nội dung của Luật Giao thông đường thủy nội địa; hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển; đồng thời, kết hợp tuyên truyền trực quan bằng pa nô, hình ảnh tại khu vực bến thủy nội địa thuộc khu vực vịnh Vĩnh Hy...

* Ngày 28-8, huyện Ninh Hải tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả trình diễn mô hình giống lúa mới Win 3 tại xã Xuân Hải. Vụ hè - thu năm 2018, giống lúa Win 3 được đưa vào sản xuất thử nghiệm tại thôn An Xuân, xã Xuân Hải với diện tích 5 sào. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và các nông hộ tham gia mô hình, tỷ lệ nảy mầm đạt trên 95%; thời gian sinh trưởng từ 95 - 100 ngày; khi trổ bông dài trung bình từ 20 – 22 cm; tỷ lệ hạt chắc cao, chất lượng gạo ngon, cơm mềm; năng suất thực thu đạt từ 50 – 60 tạ/ha, điều kiện chăm sóc tốt có thể đạt từ 70 – 80 tạ/ha; có khả năng kháng bệnh đạo ôn và rầy nâu, mẫn cảm với sâu đục thân; khả năng sinh trưởng tốt, lượng phân bón so với các giống lúa khác giảm từ 10- 20%, thích hợp cả 3 vụ/năm, rất phù hợp với điều kiện canh tác của  địa phương.