Những thách thức của tân Thủ tướng Australia

Với lễ nhậm chức diễn ra ngắn gọn tại trụ sở Quốc hội Australia ngày 24-8-2018, ông Scott Morrison (Xcốt Mô-ri-xơn) đã trở thành thủ tướng thứ 30 của Australia và là thủ tướng thứ 6 trong vòng chưa đầy 10 năm qua của nước này. Việc ông Morrison trở thành nhà lãnh đạo mới của Australia cũng đã chấm dứt cuộc khủng hoảng trên chính trường nước này. Song với những rạn nứt và bất ổn trên chính trường, ông Morrison sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Chiến thắng bất ngờ

Ông Scott Morrison trở thành thủ tướng trong bối cảnh khủng hoảng kéo dài một tuần trước đó trong nội bộ đảng Tự do cầm quyền, khiến chính phủ và quốc hội nước này phải tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, những gì diễn ra mấy ngày qua lại phơi bày mâu thuẫn nội bộ sâu sắc cũng như thái độ thất vọng từ chính những người trong đảng Tự do cầm quyền về sự lãnh đạo của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Malcolm Turnbull (Man-côm Tơn-bun).

Là người theo chủ trương ôn hòa, Thủ tướng Turnbull có thời gian dài theo đuổi các chính sách xã hội tiên tiến và hành động về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chính sách năng lượng mới của ông lại không nhận được sự ủng hộ của một số ít nghị sỹ trong chính đảng Tự do mà ông lãnh đạo. Trong khi đó, Liên đảng dưới sự dẫn dắt của ông từ cuối năm 2015 đến nay đã bị thua Công đảng đối lập trong 38 cuộc thăm dò dư luận liên tiếp về tỷ lệ ủng hộ của cử tri. Trong cuộc bầu cử bổ sung cuối tháng 7 vừa qua, cũng không có ứng cử viên nào của liên đảng thắng cử. Do đó, ngày 21-8, theo yêu cầu của Bộ trưởng nội vụ Peter Dutton, nội bộ đảng Tự do đã tiến hành bỏ phiếu về khả năng thay thế ông Turnbull. Mặc dù đã vượt qua thách thức trong cuộc bỏ phiếu này, song việc liên tục có nhiều bộ trưởng cấp cao trong chính phủ từ chức sau đó đã gây áp lực rất lớn lên ông Turnbull.

Đối mặt với việc phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu thứ hai về khả năng thay thế mình, ngày 24-8, ông Turnbull đã triệu tập cuộc họp và tiến hành bỏ phiếu giữa ba ứng cử viên là cựu Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton, quyền Bộ trưởng Nội vụ Morrison và Ngoại trưởng Julie Bishop (Giu-li Bi-sốp). Ông Turnbull cũng đã từ chức và không tham gia ứng cử, bởi một khi đảng đồng ý bỏ phiếu chọn thủ tướng mới nghĩa là ông đã mất tín nhiệm

Trong vòng bỏ phiếu thứ nhất, Ngoại trưởng Australia Bishop, người được cho là có khả năng giành chiến thắng nhất đã bị loại do nhận được số phiếu bầu ít nhất. Ở vòng bỏ phiếu thứ hai, ông Morrison đã vượt qua ông Dutton với tỷ lệ phiếu bầu 45-40 và giành chiến thắng. Cũng tại vòng này, đảng Tự do đã bầu Bộ trưởng Năng lượng Josh Frydenberg (Giốt Phrai-đen-bớc) làm Phó Chủ tịch đảng, thay bà Bishop đã từ chức trước đó.

Nhiệm vụ khó khăn

Có thể thấy, trong vai trò Thủ tướng, việc chèo lái đảng Tự do thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm tới không phải là bài toán dễ đối với tân thủ tướng Morrison. Những việc mà ông Morrison cần làm ngay là xúc tiến thành lập nội các mới, xem xét lại các chính sách và hàn gắn mối bất đồng giữa hai phe bảo thủ và ôn hòa trong nội bộ đảng.

Sau một tuần khủng hoảng, ông Turnbull ra đi để lại cho người kế nhiệm một nội các "bừa bộn" với gần một nửa số bộ hiện không có người đứng đầu. Nhiều hoạt động, kế hoạch tham vọng của chính phủ phải tạm ngưng, trong đó phải kể tới chuyến công du của ông Turnbull nhằm thắt chặt quan hệ với 4 nước Đông Nam Á và các quốc đảo láng giềng ở Thái Bình Dương, đồng thời cũng là để tăng cường tầm ảnh hưởng của Australia tại khu vực này, đã bị hủy bỏ. Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) dự kiến ký với nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á Indonesia vào tuần tới sau 8 năm đàm phán khó khăn do căng thẳng ngoại giao giữa hai nước, tiếp tục bị trì hoãn. Chưa kể, đồng đôla Australia (AUD) mất giá xuống mức thấp nhất trong vòng hơn hai năm qua, trong khi thị trường chứng khoán sụt giảm điểm. Giới phân tích cho rằng những gì đang diễn ra trên thị trường phản ánh "cuộc khủng hoảng lòng tin" đối với khả năng của các nhà lãnh đạo Australia trong việc đạt được mục tiêu phát triển kinh tế và đảm bảo sự thịnh vượng cho đất nước.

Trở thành thủ tướng của Australia, song ông Morrison cũng sẽ không thể giữ chiếc ghế của mình lâu dài nếu không nhanh chóng khắc phục được khó khăn và vực dậy uy tín đang xuống dốc của Liên đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền. Cuộc tổng tuyển cử năm 2019 đang đến gần, trong khi ngày càng có nhiều cử tri thất vọng trước những chính sách không mấy hiệu quả của chính phủ tiền nhiệm quay sang ủng hộ Công đảng đối lập hoặc các đảng nhỏ.

Thời gian qua, những thủ tướng mới lên thay kiểu “giữa dòng” như thế này ở Australia thường kêu gọi tổ chức bầu cử trước thời hạn, nhưng nay vị lãnh đạo mới của đảng Tự do chắc chắn không nhặt lá bài này. Ông cần thời gian để xốc lại đội ngũ, lấy lại uy tín cũng như giúp đảng chuẩn bị tốt hơn cho cuộc bầu cử mà ai cũng biết nếu được tổ chức bây giờ, Công đảng đối lập gần như cầm chắc chiến thắng.

Một khó khăn trước mắt nữa cũng đang chờ Chính phủ mới là Thủ tướng sắp mãn nhiệm Turnbull cũng sẽ rời khỏi cơ quan lập pháp. Điều này được cho là sẽ gây khó khăn cho Liên đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền vì phải tiến hành bầu cử bổ sung ngay do hiện chỉ nắm đa số hơn một ghế tại Hạ viện. Dù đơn vị bầu cử này vốn là “thành trì” của đảng Tự do, song cũng không loại trừ khả năng chiếc ghế nghị sỹ của ông Turnbull sẽ rơi vào tay Công đảng hay một đảng nhỏ nào đó. Nếu điều đó xảy ra, Liên đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền sẽ mất thế đa số và Chính phủ mới khó có thể thúc đẩy được chính sách nào qua cửa Hạ viện.

Thực tế cho thấy, tân Thủ tướng Australia Morrison, 50 tuổi, là một nhân vật khá ôn hòa, đã tham gia nghị trường từ năm 2007. Việc ông giành chiến thắng trước hai ứng cử viên Dutton và Bishop trong cuộc họp và bỏ phiếu lần thứ hai của đảng Tự do cầm quyền đã gây bất ngờ, song dư luận Australia hy vọng với những kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực du lịch, từng kinh qua vị trí lãnh đạo nhiều bộ khác nhau như nhập cư và bảo vệ biên giới, dịch vụ xã hội, ngân khố dưới thời hai chính phủ tiền nhiệm, tân Thủ tướng Morrison sẽ vượt qua được những khó khăn trước mắt để tiếp tục duy trì quyền lãnh đạo cho đảng Tự do sau cuộc bầu cử vào năm tới.

Trong phát biểu sau khi giành chiến thắng, ông Morrison đã hứa hẹn sự thay đổi thế hệ trong đảng Tự do cầm quyền, tìm cách chấm dứt tình trạng đấu đá nội bộ. Ông nhấn mạnh nhiệm vụ của thế hệ lãnh đạo mới là "đảm bảo không chỉ đưa đảng Tự do đoàn kết trở lại mà còn đưa Quốc hội Australia đoàn kết trở lại". Gửi gắm tới các cử tri Australia, ông khẳng định "thế hệ lãnh đạo mới của đảng Tự do đứng về phía người dân". Ngoài ra, ông Morrison bác bỏ đồn đoán về một cuộc bầu cử sớm, đồng thời nhấn mạnh ông sẽ ưu tiên ngay lập tức giải quyết tình hình hạn hán trầm trọng trên toàn khu vực miền Đông Australia.