Cựu chiến binh Chamaléa Cường Gương sáng gia đình hiếu học

(NTO) Được tôi luyện qua chiến trường, trở về với đời thường, cựu chiến binh Chamaléa Cường ở thôn Tà Lú, xã Phước Đại (Bác Ái) luôn phát huy phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của anh “Bộ đội Cụ Hồ”. Vượt qua khó khăn, thiếu thốn, ông cần cù làm ăn, phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy các con học hành đến nơi đến chốn.

Cựu chiến binh Chamaléa Cường kể lại: Sinh năm 1952, năm 14 tuổi, nhìn các anh trai lớn trong làng theo cách mạng, tôi cũng trốn gia đình lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Bình Thuận làm liên lạc viên. Nhiều năm sau tôi được chuyển nhiệm vụ sang làm bảo vệ kho vũ khí, vận chuyển đạn dược cho lực lượng quân ta ở chiến trường Bình Thuận-Ninh Thuận.

Giải phóng, xuất ngũ trở về địa phương lập nghiệp và cưới vợ. Phước Đại ngày ấy còn rất hoang sơ, đất đai khô cằn, nhưng vợ chồng ông vẫn kiên trì bám đất sinh sống. Khai hoang được mảnh đất nào ông lại trồng lúa, bắp giải quyết cái ăn trước mắt để “lấy ngắn nuôi dài”. Biết chi tiêu tiết kiệm, số tiền dành dụm được ông mua trâu, bò nuôi nhờ vậy cuộc sống gia đình bớt khó khăn. Dần dần ông sở hữu được đàn gia súc gồm 8 con trâu và 6 con bò. Hằng ngày, từ sáng đến tối, vợ chồng ông quanh quẩn làm việc bên mảnh ruộng lúa, bắp gần 1ha, đặc biệt là chăm sóc đàn gia súc để có “đồng ra, đồng vào” kiếm tiền nuôi 7 con ăn học.

Cựu chiến binh Chamaléa Cường (bên trái) luôn cảm thấy tự hào thành tích học tập của con.

Những tưởng cuộc sống gia đình cứ thế trôi qua yên ấm, bất ngờ năm 2005 vợ ông mất do một cơn bạo bệnh, một mình “gà trống nuôi con” nên cuộc sống gia đình ông bắt đầu nối tiếp khó khăn. Lúc này, phẩm chất người lính đã giúp ông kiên cường, gạt đi những giọt nước mắt đau buồn, làm trách nhiệm người cha nuôi dạy, dẫn dắt các con còn nhỏ cho đến khi lớn khôn. Thấy con thiếu tình thương của mẹ, ông Cường quyết không để các con thất học nên đã tần tảo sớm khuya để có thu nhập chăm lo các con. Từ việc làm rẫy cho đến nuôi con chỉ một mình ông đảm đương. Nhiều lần không có tiền, ông lại bán bớt trâu, bò để đủ chi phí cho sinh hoạt, học tập của các con ở nơi xa. Cùng với nỗ lực đó, nhờ có chính sách Nhà nước hỗ trợ cho sinh viên vay vốn nên việc học tập của các con ông không bị gián đoạn. Dường như thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng của ba, 7 người con của ông đều rất ngoan, động viên nhau vượt khó và lần lượt bước vào cánh cửa đại học. Người con trai đầu là Pinăng Hoàng, tốt nghiệp Học viện Quân sự Hà Nội; con trai thứ hai là Pinăng Hải, tốt nghiệp Trường Đại học An ninh Nhân dân TP.Hồ Chí Minh; con gái thứ ba là Pinăng Thị Duyên, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận; con trai thứ tư là Pinăng Hưng, tốt nghiệp trường Trung cấp Thủy lợi Đà Nẵng; con trai thứ năm là Pinăng Hạo, tốt nghiệp Trường Đại học Lâm nghiệp phân hiệu tại Đồng Nai; con trai thứ sáu là Pinăng Tuấn, vừa mới tốt nghiệp lớp 12 và người con trai út Pinăng Tú đang học lớp 10.

Giờ đây, nhìn lại thành tích học tập của các con, theo ông Chamaléa Cường, đó là niềm tự hào, động viên an ủi tuổi già. Ông Katơ Phân, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Phước Đại, cho biết: Sau khi ra trường, các con của ông cựu chiến binh Chamaléa Cường đều có công việc ổn định, có điều kiện giúp đỡ cha. Ở tuổi gần 70, giờ đây ông Cường không còn lo toan vất vả, cuộc sống khấm khá, đủ đầy hơn. Với người dân xã Phước Đại, gia đình ông Cường là một trong những tấm gương gia đình hiếu học tiêu biểu ở địa phương.