Thuận Nam: Đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(NTO) Thực hiện Đề án chính sách hỗ trợ đặc thù phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh giai đoạn 2017-2020, thời gian qua, huyện Thuận Nam kịp thời đẩy nhanh phân bổ nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng. Thông qua các nguồn vốn chính sách, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có thêm điều kiện đầu tư sản xuất, chăn nuôi, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Phước Hà là xã miền núi với gần 95% đồng bào Raglai sinh sống, trình độ canh tác và sản xuất còn hạn chế, nên đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Đồng chí Tạ Yên Thị Cam, Chủ tịch UBND xã, cho rằng: Các chính sách dân tộc được triển khai kịp thời trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất, cải thiện đáng kể đời sống; hàng năm, có trên 90% số hộ được nhận ưu đãi từ các nguồn hỗ trợ khác nhau từ cấp trên. Năm 2017, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình 135, xã hỗ trợ 33 con bò, giống cây trồng cho 50 hộ, với tổng kinh phí trên 340 triệu đồng. Ngoài ra, hỗ trợ chuyển đổi nghề theo quyết định 755/QĐ-TTg cho hơn 30 hộ để mua bò, dê, cừu phát triển chăn nuôi, với số tiền 165 triệu đồng.

Thông qua chính sách hỗ trợ của Nhà nước, gia đình ông Ô Rai Học, ở thôn Giá,
xã Phước Hà (Thuận Nam) có điều kiện phát triển chăn nuôi.

Là một trong những hộ được thụ hưởng chính sách của đề án, ông Ô Rai Học, ở thôn Giá chia sẻ: Gia đình thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào 6 sào bắp; tuy nhiên, do nắng hạn nên năng suất đạt thấp. Được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản, tôi vay thêm 8 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm chuồng và trồng cỏ. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay đã tăng lên 3 con, gia đình rất phấn khởi, xem như đây là số vốn để tích lũy làm ăn sau này…

Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Huyện Thuận Nam có trên 15.400 hộ dân/67.210 nhân khẩu; trong đó, đồng bào DTTS chiếm khoảng 30%, sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã Phước Ninh, Phước Nam và Phước Hà. Xác định mục tiêu đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS, cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động người dân đổi mới các làm kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện ở mỗi địa phương. Đặc biệt, thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước, đời sống của bà con vùng đồng bào DTTS đã có những chuyển biến đáng kể trong vài năm trở lại đây.

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc về giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện hỗ trợ 1,3 tỷ đồng cho 67 hộ dân ở xã Phước Ninh, Phước Hà thực hiện mô hình chăn nuôi bò vỗ béo; cấp 6,1 ha đất canh tác cho 41 hộ dân thiếu đất sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 184 hộ, với kinh phí 920 triệu đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 164 hộ, số tiền 246 triệu đồng ở 3 xã Phước Nam, Phước Ninh và Phước Hà. Ngoài ra, mỗi năm có hàng trăm hộ DTTS được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt… Bên cạnh hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, huyện còn lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế… góp phần nâng cao mức hưởng thụ của người dân. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ về nhà ở, chăm sóc y tế, trợ cấp cho học sinh nghèo đến trường, trợ giúp pháp lý nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân cũng được quan tâm, chú trọng.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nên tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm đáng kể, từ 4-5% mỗi năm; đời sống của người dân từng bước nâng lên rõ rệt. Nhằm triển khai có hiệu quả chính sách dân tộc trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Xuân Cường cho biết thêm: Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đến các đối tượng thụ hưởng, địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch, xác định lợi thế ở mỗi vùng để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp; hướng dẫn bà con thực hiện các mô hình làm ăn hiệu quả; đẩy mạnh áp dụng khoa học-kỹ thuật trong sản xuất… tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.