Xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo

Bài 2: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án

(NTO) Thực hiện chủ trương về ưu đãi phát triển năng lượng tái tạo, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích, phát triển các dự án điện mặt trời. Theo đó, các dự án điện mặt trời hoàn thành trước tháng 6-2019 sẽ được ưu đãi về giá bán điện, vốn đầu tư, thuế và đất đai. Với những ưu đãi lớn này, hiện nay, các nhà đầu tư dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ để kịp thời về đích.

Là dự án điện mặt trời có quy mô công suất khá lớn với thiết kế 168 MW, Dự án Nhà máy điện mặt trời CMX Renewable Energy Việt Nam tại xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) có diện tích sử dụng đất 186,78 ha, tổng vốn đầu tư 4.398 tỷ đồng. Ngay sau khi được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 10-2017, chủ đầu tư dự án đã xúc tiến thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, tổ chức khởi công vào tháng 6-2018. Ông Peter Jang, Tổng Giám đốc CMX Renewable Energy Việt Nam, cho biết: Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo với sản lượng điện hằng năm khoảng 68.000 MWh/năm. Công ty quyết tâm và dồn mọi nguồn lực để hoàn tất các thủ tục về đất đai, xây dựng và mua bán điện với mục tiêu hoàn thành xây dựng và vận hành thử trong tháng 4-2019 và phát điện đúng cam kết đề ra.

Công nhân thi công Dự án Điện gió Trung Nam.

Cũng đầu tư xây dựng trên địa bàn xã Mỹ Sơn, Dự án Nhà máy Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 của Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn có tổng vốn đầu tư 1.362 tỷ đồng, với quy mô diện tích đất 80 ha, công suất dự án 50 MW, sản lượng điện trung bình 96 triệu kWh/năm. Với mục tiêu hoàn thành, đưa vào vận hành cuối năm nay, ngay sau khi khởi công vào tháng 5-2018, chủ đầu tư đã tập trung mọi nguồn lực, huy động thiết bị, nhân lực để phục vụ dự án. Đến nay, Công ty đã hoàn tất thủ tục giải phóng mặt bằng, hồ sơ giao đất, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy; hoàn thiện thủ tục thiết kế và mua bán điện. Mặc dù là dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư sau cùng, nhưng chủ dự án đã thể hiện rõ năng lực và quyết tâm đầu tư, triển khai các phần việc hết sức khẩn trương. Ông Cao Mộng Bảo, Giám đốc điều hành Dự án Nhà máy Điện mặt trời Mỹ Sơn, cho biết: Với việc thực hiện song song các thủ tục hồ sơ, giải phóng mặt bằng đến đâu, triển khai thi công đến đó, đến nay Công ty đã xây dựng xong hàng rào bảo vệ, hoàn tất việc cấp điện, nước thi công, nhà điều hành của dự án. Hiện tại, công ty đang đẩy nhanh mọi việc có thể để triển khai dự án cho kịp tiến độ hòa vào lưới điện quốc gia.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 7, trong số 27 dự án năng lượng mặt trời đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, có 11 dự án đã tiến hành thi công và 16 dự án đang hoàn tất thủ tục để khởi công trong năm 2018, đồng thời có 15/17 dự án đã hoàn thành việc ký quỹ. Cụ thể, huyện Ninh Sơn có 4 dự án, Ninh Phước 9 dự án, Thuận Nam 10 dự án, Thuận Bắc 3 dự án và Bác Ái 1 dự án.

Về dự án điện gió, đến nay, toàn tỉnh đã có 4 dự án tiến hành khởi công xây dựng và dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất thương mại. Trong đó, Dự án Điện gió Đầm Nại xây dựng tại huyện Ninh Hải và Thuận Bắc do Công ty Cổ phần Điện gió Đầm Nại làm chủ đầu tư, quy mô công suất 40 MW, tổng vốn đầu tư 1.523 tỷ đồng. Hiện tại, chủ đầu tư đã đưa 3 turbin, công suất 6 MW thuộc giai đoạn 1 vào hoạt động. Đồng thời, chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng giai đoạn 2, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2018. Bên cạnh đó, 3 dự án điện gió khác cũng đã tiến hành khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động trong năm 2018 gồm: Nhà máy Điện gió Mũi Dinh xây dựng tại huyện Thuận Nam do Công ty TNHH Điện gió Mũi Dinh làm chủ đầu tư, quy mô công suất 37,6 MW, tổng vốn đầu tư 1.472 tỷ đồng; Nhà máy Điện gió Trung Nam xây dựng tại huyện Thuận Bắc do Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam làm chủ đầu tư, quy mô công suất 105,75 MW, tổng vốn đầu tư 3.965 tỷ đồng và Nhà máy Điện gió Công Hải 1 xây dựng tại huyện Thuận Bắc do Tổng Công ty Phát điện 2 làm chủ đầu tư, quy mô công suất 40,5 MW, tổng vốn đầu tư 1.190 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc với các chủ đầu tư dự án điện năng lượng vào cuối tháng 7-2018, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các chủ đầu tư cần hoàn tất các thủ tục hồ sơ thể hiện quyết tâm đầu tư, khẩn trương thực hiện dự án, nhất là các dự án đã được cấp phép; đồng thời, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đấu nối điện lưới và thống nhất hướng, tuyến đường đi để thuận lợi trong quá trình thực hiện dự án. Đồng hành với các nhà đầu tư, các ngành, địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thành việc bàn giao đất chậm nhất trong năm 2018 và tạo điều kiện thuận lợi nhất là về thủ tục, hồ sơ, chính sách ưu đãi để các dự án triển khai đảm bảo đúng tiến độ, phấn đấu hoàn thành các dự án trước tháng 6 năm 2019.

------------------

(MỜI XEM TIẾP KỲ SAU)
Bài cuối: Xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo.