Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh: Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Luật Cảnh sát biển Việt Nam

(NTO) Ngày 14-8, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Luật Cảnh sát biển Việt Nam, dự kiến trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm 5 Chương, 34 Điều, quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 8 Chương, 48 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; bảo đảm chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh
phát biểu tại hội nghị lấy ý kiền đóng góp các dự thảo Luật

Các đại biểu cho rằng việc ban hành 2 Luật này là rất phù hợp với tình hình thực tiễn; tuy nhiên cũng cần cân nhắc chỉnh lý, bổ sung một số nội dung trong Dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất,chặt chẽ, tạo hành lang an toàn pháp lý trong hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và định hướng chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên biển.

Đối với Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến, tập trung vào các vấn đề: Thời hạn bảo vệ là 30 năm đối với bí mật nhà nước “tuyệt đối” là không phù hợp, bởi nhiều bí mật nhà nước chứa nhiều nội dung rất quan trọng trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đối sách của ta đối với các nước. Không cần thiết phải dành riêng một điều để quy định trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông bởi bất cứ bộ, ngành nào cũng cần thực hiện bảo vệ bí mật nhà nước. Cần nghiên cứu để quy định cho phù hợp với quy định bắt buộc phải được thông tin công bố, công khai khi đã có kết quả kết luận trong một số lĩnh vực hoạt động như: thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng…

Đối với Dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam, một số đại biểu cho rằng, cần bổ sung thuật ngữ “tham gia” vào giữa từ “phương tiện” và “hoạt động” tại khoản 3, Điều 15 nhằm làm rõ hành vi phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển để đảm bảo tính thống nhất với các nội dung quy định của Dự thảo Luật. Ngoài ra, cần bổ sung, chỉnh sửa một số thuật ngữ tại một số điều, khoản quy định về hợp tác quốc tế, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam cho phù hợp… Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đoàn sẽ tổng hợp, trình lên Quốc hội vào kỳ họp tới.