Phát triển nghề muối ở Ninh Hải

(NTO) Vừa trúng mùa, vừa được giá, nên trong những ngày tháng 8 này đi giữa vùng muối Ninh Hải, chúng tôi bắt gặp nhiều khuôn mặt rạng ngời của diêm dân nơi đây…

Đến ruộng muối của diêm dân xã Phương Hải, Nhơn Hải, thị trấn Khánh Hải… trên cánh đồng bạt ngàn muối trắng có rất đông người đang tất bật cào và dùng xe rùa đẩy muối dưới ruộng lên bờ vun thành đống lớn; tốp người khác nhanh tay đóng muối vào bao; tư thương điều hàng chục xe tải chạy quanh các ruộng để thu muối chở về kho dự trữ. Nhiều diêm dân vui nói: Nắng nóng thì nước biển bốc hơi càng mạnh nên muối kết tinh càng nhanh và độ mặn càng cao. Từ đầu năm đến nay, muối đạt sản lượng cao và trúng giá, bà con rất phấn khởi. Ông Trần Kim Sơn, diêm dân xã Tri Hải, chia sẻ: Vì giá muối giữ ổn định từ đầu năm cho đến nay, bình quân khoảng 900 nghìn đồng/tấn, diêm dân rất vui do được mùa và được giá. Giá muối giữ ổn định là điều tốt, nhưng hạt muối không “đẹp” sẽ bị thương lái ép giá. Ngoài việc, cần cù lao động thì gia đình còn chú trọng xây dựng bờ ruộng bằng những viên đá chẻ để cho cát bùn khi mưa không đổ vào ruộng muối, làm da đất kỹ càng và chú ý đến độ mặn của nước biển. Có như vậy, mới làm ra hạt muối “đẹp” trắng trong, hấp dẫn người mua và giữ được giá ổn định.

Tư thương thu mua muối của diêm dân Ninh Hải.

Với trên 710 hộ sản xuất trên diện tích 652 ha muối nền đất, huyện Ninh Hải là địa phương có diện tích sản xuất muối truyền thống lớn nhất tỉnh và cũng có 60 ha muối trải bạt trên nền đất. Từ đầu năm 2018 đến nay, diêm dân đã thu hoạch gần 190 nghìn tấn muối. Thương lái thu mua với giá 900 nghìn đồng/tấn được đóng bao tại chân ruộng (cao gấp đôi so với năm trước), diêm dân làm muối ở vùng này đang có lãi cao. Điều đáng vui hơn, những năm qua, huyện Ninh Hải đẩy mạnh thực hiện chủ trương bê tông hóa để tạo thông thoáng cho tuyến giao thông nông thôn và thuận tiện cho việc vận chuyển sản phẩm nông nghiệp, diêm nghiệp sau thu hoạch, giờ đây đường đến những cánh đồng muối ở huyện Ninh Hải rất thuận lợi. Nhiều nơi, ô tô trọng tải lớn có thể chạy đến tận chân ruộng để thu muối, giúp diêm dân giảm nhiều khoản chi phí trong sản xuất.

Ông Lê Văn Ngọc, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải, cho biết: Hơn 5 năm qua, bên cạnh việc duy trì nghề làm muối nền đất, diêm dân ở đây đã đầu tư công nghệ để sản xuất muối sạch bằng cách trải bạt trên nền ruộng có phân ô kết tinh, cho nên sản lượng cũng như chất lượng muối được nâng lên nhiều. Ngoài ra, phát huy lợi thế do thiên nhiên ưu đãi, nên trong thời gian qua địa phương đang đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư công nghệ chế biến muối tinh, muối i-ốt và các sản phẩm khác từ muối để nâng cao chuỗi giá trị hạt muối, nâng cao đời sống cho diêm dân, góp phần cho huyện Ninh Hải thực hiện đủ các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Rời khỏi chân ruộng muối, những giọt mồ hôi mặn trên khuôn mặt của diêm dân lẫn vào đó là những niềm vui, chúng tôi nhớ bà con thổ lộ: Thu nhập cao từ hạt muối đem lại, cũng góp phần nào làm diện mạo nông thôn nơi đây ngày càng khởi sắc, nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu. Đó là động lực để diêm dân gắn bó với nghề muối.