Nơi điểm tựa của trẻ em khuyết tật

(NTO) Sinh ra những đứa con khỏe mạnh, phát triển toàn diện là ước muốn lớn lao nhất của mỗi bậc làm cha, làm mẹ. Song, cuộc sống nhiều khi chẳng chiều lòng người. Có rất nhiều đứa trẻ sinh ra không may mang trong mình những khuyết tật. Các em cần một môi trường để gặp gỡ, kết bạn, học tập và vui chơi. Trường Khuyết tật Quảng Sơn thành lập năm 2001 đóng trên địa bàn thôn La Vang 2, xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) là một ngôi trường như thế.

Chúng tôi đến thăm Trường Khuyết tật Quảng Sơn vào một ngày đầu tháng 8. Theo thời khóa biểu, hôm nay các em sẽ nghỉ học văn hóa để tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Hơn 8 giờ sáng, sau khi tập thể dục, tất cả đều tập trung lại tại phòng sinh hoạt văn hóa để cùng nhau múa hát và chơi xếp hình. Có lẽ không ít người sẽ vô cùng ngạc nhiên khi nhìn “đoàn diễn viên” lắc lư theo tiếng trống, tiếng nhạc, cất cao lời ca, tiếng hát, nhịp nhàng thực hiện từng động tác múa. Dù rằng có những em chẳng thể nghe được những âm thanh ấy hoặc cũng có những em phải mất cả tháng trời mới nhớ nổi lời một bài hát, điệu múa. Cũng có không ít phen giận hờn, khóc lóc vì tranh giành đồ chơi nhưng rồi đâu lại vào đấy. Các em lại tiếp tục là những người bạn, cùng nhau đùa giỡn như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Tiếng cười, tiếng nói vang lên rộn ràng.

Các em nhỏ Trường Khuyết tật Quảng Sơn chơi xếp hình.

Khi được hỏi về những khó khăn, vất vả trong việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ khuyết tật, cô giáo Bùi Thị Ngọc Túy, người gắn bó với ngôi trường này từ khi mới thành lập, chia sẻ: Ở đây hiện có 33 trẻ bị các chứng bệnh: Câm điếc, thiểu năng trí tuệ, down, tự kỷ nên việc chăm sóc và dạy dỗ các cháu gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như vào những ngày trời mưa dông, sấm chớp. Trong khi những đứa trẻ bị down sợ sệt, khóc lóc thì những đứa trẻ bị câm điếc tỏ ra rất thích thú. Vì không nghe được nên khi thấy tia chớp các em lại tưởng ông trời "chụp hình" nên cứ nhào ra giơ hai tay lên mà cười rất hồn nhiên. Khi ấy, để bảo vệ các em, cô vừa phải dỗ dành những em bị down vừa phải chạy ra kéo các em bị câm điếc vào nhà. Đó là chưa kể đến việc những đứa trẻ tự kỷ khi bực mình sẽ tự vỗ vào đầu vào ngực làm đau mình… Để chăm sóc các cháu, người dạy phải có tình thương và sự kiên nhẫn. Ngoài cô Túy, hiện trường còn có cô Yến vừa là người quản lý, đồng thời vừa hỗ trợ đứng lớp dạy dỗ cho các em. Để đưa các em vào một tập thể có khuôn phép, có thời khóa biểu hẳn hoi không phải là chuyện dễ. Điều duy nhất níu chân các cô ở lại với ngôi trường này đó chính là tình thương vô bờ bến với những đứa trẻ khuyết tật. Các cô không chỉ là cô giáo mà còn là bạn, là mẹ của các em.

Ngoài học múa, học vẽ, học làm thiệp… và tham gia nhiều hoạt động dã ngoại, vui chơi giải trí, ở đây, các em còn được tập đọc, tập viết và học làm toán. Với mỗi chứng bệnh, trường sẽ có những phương pháp rèn luyện, giáo dục cụ thể. Học sinh sau khi học xong chương trình văn hóa cấp tiểu học sẽ được nhà trường gửi đi đào tạo nghề tại các cơ sở nghề trên địa bàn. Đến nay, sau 17 năm thành lập, có hàng trăm em nhỏ đã lớn lên từ mái trường này. Nhiều em trong số đó giờ đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, lập gia đình và sống hạnh phúc.

Dưới mái trường này, giáo dục kỹ năng sống được xem là “cái nôi” đưa các em vào đời. Theo cô Yến, người quản lý nhà trường: Với trẻ khuyết tật, giáo dục kỹ năng sống là quan trọng hơn cả. Đó là con đường ngắn nhất giúp các em hòa nhập với cộng đồng. Kỹ năng sống với trẻ khuyết tật không là cái gì thật cao siêu mà chính là biết chào hỏi, xin phép, xin lỗi, biết cám ơn và biết tự phục vụ cho bản thân mình.

Không chỉ là nơi các em nhỏ khuyết tật có điều kiện gặp gỡ, học tập và vui chơi, Trường Khuyết tật Quảng Sơn ra đời còn là điểm tựa tinh thân vững chắc cho những gia đình có con em bị khuyết tật trên địa bàn huyện Ninh Sơn. Bởi trong số 32 gia đình có con em đang học ở đây, có rất nhiều gia cảnh khó khăn, éo le. Khó để hình dung được nếu không có mái trường này, các em sẽ như thế nào khi mà cha mẹ, anh em đều phải chật vật với cuộc sống cơm áo, gạo tiền hằng ngày, chẳng thể đủ điều kiện để chăm lo trọn vẹn cho các em. Đây chính là nơi họ trao trọn niềm tin của mình. Chị Trần Thị Thanh Thúy, phụ huynh một học sinh bị down vui mừng nói: Ngày trước cháu khù khờ lắm, chẳng biết làm gì. Bây giờ, được đi học cháu ngoan lắm, biết chào hỏi, cảm ơn, tự lo được cho mình. Cùng chung niềm xúc động, chị Nguyễn Thị Kim Anh, mẹ của một học sinh khiếm thính trải lòng: 13 năm đến học tại ngôi trường này, cháu đã có thêm bạn bè để trò chuyện tinh thần cháu vui vẻ hẳn lên. Vui nhất là nhờ học được ngôn ngữ khẩu hình cháu có thể hiểu và trò chuyện được cùng chúng tôi, tình cảm gia đình trở nên gắn bó, gần gũi hơn.

Cô Yến cho biết thêm: Các em đến với nhà trường sẽ không bắt buộc đóng một khoản phí nào. Tất cả tùy vào điều kiện hoàn cảnh của gia đình. Tuy vậy, nhà trường vẫn đảm bảo các phòng học chức năng, phòng ăn, phòng ngủ và phòng sinh hoạt cũng như chế độ dinh dưỡng cho các cháu. Chúng tôi mong sao bù đắp được phần nào những thiệt thòi mà các em đang phải gánh chịu.

Rời mái trường thương yêu này, vẳng bên tôi là những âm thanh không đều của các em khi tập đọc bài “dạ thưa”. Nơi có bóng dáng của các cô giáo đang từng ngày miệt mài, âm thầm chắp những đôi cánh tương lai và trao cho các em cùng các bậc phụ huynh tình thương, lòng nhân ái và cả niềm tin về những điều tốt đẹp trong cuộc sống này.