Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em

(NTO) Ngày 6-8, tại TP. Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em (BVTE). Cùng dự có đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em. Tại điểm cầu tỉnh ta, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị.

Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, mỗi năm trung bình Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý cho nên con số nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm 21,3%. Ước tính khoảng 68,4% trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình…

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Sau khi Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em) có hiệu lực thi hành, đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em (XHTE), công tác BVTE đã có những chuyển biến tích cực. Số lượng thông tin, thông báo, tố giác hành vi XHTE tăng lên so với thời gian trước đây; việc tiếp nhận, xử lý thông tin, xử lý vụ việc, bảo mật thông tin, cung cấp dịch vụ hỗ trợ của các cơ quan chức năng được thực hiện theo quy định của pháp luật đã từng bước củng cố niềm tin cho người dân và các tổ chức xã hội vào hiệu lực, hiệu quả việc phòng, chống, ngăn chặn bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em… Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù phù hợp để giải quyết các vấn đề bạo lực, XHTE. Tuy vậy, công tác BVTE vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Nhiều quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến BVTE nói chung, phòng chống bạo lực, XHTE nói riêng vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện; tầm quan trọng và tính cấp bách của công tác BVTE chưa được cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể tại một số địa phương nhận thức đầy đủ, quan tâm đúng mức; hệ thống nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về trẻ em và BVTE ở các cấp còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều việc…

Trên cơ sở những kết quả và tồn tại, hạn chế, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã đề ra 5 nhóm giải pháp thực hiện công tác BVTE, gồm: Xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách; bố trí nguồn lực, nâng cao năng lực; phát triển dịch vụ trẻ em; tăng cường truyền thông, giáo dục và các giải pháp, nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong các năm 2018-2019. Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã phát biểu chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến nâng cao hiệu quả công tác BVTE thời gian tới.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương nâng cao nhận thức, thực hiện hiệu quả công tác BVTE. Các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện pháp luật, xử lý nghiêm túc, nhanh chóng các vụ XHTE. Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục cho học sinh các cấp. UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí nguồn kinh phí, tập huấn kỹ năng cho cán bộ làm công tác BVTE. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực thi chính sách pháp luật, chính sách BVTE và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác BVTE, triển khai, nhân rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, BVTE” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…