Chuyển biến trong công tác dân vận chính quyền những tháng đầu năm

(NTO) Trong những tháng đầu năm 2018, công tác dân vận chính quyền (DVCQ) được UBND tỉnh quan tâm triển khai, mang lại nhiều kết quả thiết thực. Qua đó, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh tại địa phương.

Những kết quả nổi bật

Trên cơ sở các văn bản quy định của Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt công tác DVCQ. Qua thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp (theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ), lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) ngày càng nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, làm tốt công tác tham mưu, đề xuất ý kiến giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm, trong xây dựng cơ quan…

Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành 14 quyết định công bố TTHC gồm 338 thủ tục (trong đó 73 thủ tục công bố mới, 265 thủ tục thay thế); rà soát, gỡ bỏ 2.398 thủ tục dư thừa, trùng lắp, không còn hiệu lực trên cơ sở dữ liệu quốc gia; duy trì thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết các TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các sở, ngành, địa phương... Hiện đại hóa hành chính, đến nay, toàn tỉnh đã cung cấp 428 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 áp dụng tại 18 cơ quan, đơn vị; triển khai phần mềm Văn phòng điện tử TD.Office đến tất cả sở, ngành, địa phương. Trong 6 tháng đầu năm, số lượng hồ sơ giải quyết qua mạng thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đạt khoảng 7.089 hồ sơ…Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 14-CT/TTg và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc đông người, phức tạp, tồn đọng. Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan hành chính các cấp đã tiếp 1.236 lượt người dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; tiếp nhận 1.767 đơn khiếu nại, tố cáo. Qua phân loại, đã giải quyết 704/733 đơn khiếu nại, 21/22 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền; 1.012 đơn gửi nhiều cơ quan hoặc gửi không đúng thẩm quyền đã chuyển xử lý và lưu hồ sơ theo quy định. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 100 triệu đồng; kiến nghị khôi phục quyền lợi hợp pháp và hỗ trợ bổ sung cho công dân 165 triệu đồng, 1.350m2 đất các loại; minh oan cho 15 trường hợp…

Nhân dân khu phố 1 (phường Bảo An, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) góp vốn cùng UBND phường
nạo vét mương Chai Cũ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở xã, phường, thị trấn (theo Pháp lệnh 34/2017/PL-UBTVQH11) được các địa phương triển khai linh động, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đến nay, toàn tỉnh có 399/402 thôn, khu phố đã xây dựng được quy ước, hương ước; chỉ số PAPI đo lường trải nghiệm của người dân với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền năm 2017 của tỉnh đạt 36,93 điểm, xếp vị trí 30/63 tỉnh thành phố; chỉ số SIPAS đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức về tiếp cận dịch vụ hành chính đạt 82,44%, xếp vị trí 23/63 tỉnh, thành phố…

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác DVCQ

Bên cạnh những kết quả khả quan, việc triển khai QCDC thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc, như: Một số cơ quan, đơn vị thực hiện việc rà soát, ban hành Quy chế công tác dân vận và kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở chưa kịp thời; hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân chưa được phát huy; việc tổ chức Hội nghị người lao động ở một số ít cơ quan, doanh nghiệp chưa được chú trọng; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết công việc và TTHC còn hạn chế; một số CBCCVC chưa thực hiện nghiêm túc về giờ giấc làm việc; CBCCVC phụ trách công tác dân vận tại đơn vị, địa phương còn hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ...

Để công tác DVCQ tiếp tục triển khai hiệu quả, tại Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố đánh giá tình hình thực hiện công tác DVCQ 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục củng cố, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở; rà soát, triển khai có hiệu quả công tác DVCQ; tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt trong nội bộ tổ chức về vai trò, tầm quan trọng của công tác DVCQ; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC; tăng cường công tác cơ sở, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; các sở, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình dân vận hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận, nhân dân, báo chí tham gia giám sát hoạt động thực thi công vụ…

Tin rằng, với chỉ đạo sâu sát, kịp thời của UBND tỉnh, thời gian tới, công tác DVCQ sẽ được các sở, ngành, địa phương triển khai sâu rộng, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh tại địa phương.