Xuất khẩu lao động - bước đột phá trong năm 2018

(NTO) Năm 2018, tỉnh ta phấn đấu đưa 120 lao động (LĐ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhưng đến thời điểm hiện nay đã vượt kế hoạch đề ra, với 133 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Đây có thể coi là bước đột phá trong công tác XKLĐ trong những năm qua.

Bác Ái là địa phương có số lượng người đi XKLĐ cao nhất trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm, với 40 LĐ, đạt 400% kế hoạch giao. Nâng tổng số LĐ đi XKLĐ trên toàn huyện từ năm 2010 tới nay là 161 LĐ. Theo thống kê, số tiền các LĐ gửi về cho gia đình trên 5,7 tỷ đồng. Hầu hết số LĐ trên địa bàn huyện đi XKLĐ tại thị trường Ả-rập Xê-út, do đây là thị trường không phải tốn chi phí, ngoài ra còn phù hợp với điều kiện về sức khỏe, trình độ người LĐ. Đồng chí Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Để có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn XKLĐ xuống từng địa bàn dân cư; mặt khác người LĐ đã từng bước nâng cao nhận thức, mạnh dạn hơn trong việc tham gia tiếp cận thị trường LĐ. Đặc biệt có nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững nhờ tham gia XKLĐ, qua đó góp phần vào mục tiêu chung của huyện về phát triển kinh tế-xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ. 

Không riêng gì huyện Bác Ái, tại các địa phương khác công tác XKLĐ trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều khởi sắc, tiêu biểu như huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Phước. Theo thống kê, các LĐ tỉnh ta đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài chủ yếu vào các thị trường Nhật Bản, Ả-rập Xê-út, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Theo đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Thời gian qua với sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương nên công tác XKLĐ đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Ngay từ đầu năm, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với các huyện, thành phố và các doanh nghiệp XKLĐ tổ chức 15 hội nghị tư vấn XKLĐ tại các địa phương. Ngoài ra còn tổ chức tư vấn lưu động tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, kể cả vào ban đêm và ngày nghỉ để tạo điều kiện thuận lợi cho người LĐ tiếp cận được các thông tin từ doanh nghiệp, từ đó lựa chọn đơn hàng phù hợp. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 15/2017/NQ-HĐND ngày 17-7-2017 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ vốn vay từ ngân sách địa phương đối với LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2017-2020 đã tạo điều kiện cho những LĐ thuộc hộ nghèo, người LĐ là dân tộc thiểu số, người LĐ là thân nhân người có công với cách mạng có thêm kinh phí để tham gia XKLĐ.

Theo thông báo của Cục quản lý LĐ ngoài nước, Ninh Thuận là địa phương có ít người bỏ trốn nhất tại thị trường Hàn Quốc, vì vậy các các doanh nghiệp XKLĐ bắt đầu chú ý đến lực lượng LĐ của tỉnh. Còn đối với thị trường Ả-rập Xê- út chủ yếu tuyển LĐ nữ giúp việc gia đình và không mất phí tham gia, LĐ có thu nhập từ 9-11 triệu đồng/người/tháng, được tài trợ tiền vé đi và về, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Ngoài ra, trước khi đi, LĐ được doanh nghiệp hỗ trợ từ 10-15 triệu đồng/LĐ. Ở thị trường Nhật Bản mặc dù chi phí tham gia khá cao, dao động từ 100-120 triệu đồng/LĐ, tuy nhiên mức thu nhập rất cao, nếu chưa kể làm thêm giờ thì trung bình người LĐ được trả lương từ 28-30 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc được nhận mức thu nhập hấp dẫn thì người LĐ còn được tiếp thu những kiến thức bổ ích về kỹ năng sống và làm việc cũng như nâng cao vốn ngoại ngữ để có thể tiếp tục làm việc tại các công ty của Nhật Bản tại Việt Nam khi hoàn thành hợp đồng về nước.

Có thể thấy rằng, trong những năm gần đây, hoạt động XKLĐ tại tỉnh ta đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên so với mặt bằng chung của cả nước thì số lượng cũng như chất lượng LĐ đi XKLĐ tại tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó có nhiều nguyên nhân, đặc biệt là hiện nay trên địa bàn tỉnh ta chưa có doanh nghiệp nào làm công tác XKLĐ mà chỉ thông qua các doanh nghiệp ngoài tỉnh như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh… điều này cũng gây không ít khó khăn cho LĐ tỉnh nhà khi tập trung để học ngoại ngữ và giáo dục định hướng dẫn đến tốn kém chi phí của người LĐ. Mặt khác, số lượng người LĐ tập trung tại các buổi tư vấn ở xã, phường, thị trấn không nhiều dẫn đến hiệu quả tư vấn không cao, thông tin về việc làm, XKLĐ đến với người LĐ còn hạn chế, ngoài ra vấn đề chi phí xuất cảnh cũng là một trở ngại rất lớn đối với LĐ…

Đồng chí Hà Anh Quang cho biết thêm: Thời gian tới ngành sẽ tập trung đẩy mạnh và tạo bước phát triển bền vững trong lĩnh vực đưa người LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó chú trọng LĐ qua đào tạo nghề. Đồng thời, để tạo bước phát triển đột phá đối với lĩnh vực này, các đơn vị liên quan đến công tác XKLĐ cần tăng cường quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách về XKLĐ; thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng, doanh nghiệp XKLĐ tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. UBND các huyện, thành phố cũng xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác XKLĐ thông qua xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; giao chỉ tiêu tới cấp xã, phường, thị trấn xem đây là nhiệm vụ quan trọng mà chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện…