HƯỚNG ĐẾN SEA GAMES 26:

Indonesia loại môn bóng đá nữ ra khỏi SEA Games 26

Đã có nhiều phản ứng xung quanh việc nước chủ nhà SEA Games 26 đưa ra quyết định trên và cho đến trước thời điểm nhóm họp Hội đồng SEA Games vào ngày 25, 26-2 tới, vẫn chưa thể khẳng định được điều gì. Đứng ở góc độ của một quốc gia phát triển mạnh môn này như Việt Nam, việc không được thi đấu khó mà chấp nhận được. Tuy nhiên, lời đề nghị của Indonesia không hoàn toàn vô lý.

Trong khuôn khổ SEA Games, kể từ lần được đưa vào thi đấu chính thức đầu tiên (năm 1997, cũng do Indonesia đăng cai) đến nay, chỉ có Việt Nam và Thái Lan chia nhau các HCV và số lượng quốc gia đăng ký tham gia cũng ngày một ít dần. Một môn thi đấu mà chỉ 2-3 đoàn có cơ hội giành huy chương suốt hơn 10 năm tổ chức đúng là không hề phát triển rộng rãi. Hơn nữa, dù chỉ có một bộ huy chương nhưng công tác tổ chức đã ngốn quá nhiều chi phí.

Không thể lấy tiêu chí “duy trì và phát triển phong trào chung” để đưa bóng đá nữ vào chương trình thi đấu mãi được. Bấy lâu nay, dư luận vẫn phê phán việc SEA Games tổ chức một số môn thiếu tính tranh đua trong khi đại hội là một cuộc tranh tài thể thao. Dù bóng đá nữ là môn thi đấu Olympic đi nữa, nếu vẫn cứ tồn tại tình trạng hết Việt Nam rồi Thái Lan vô địch, cũng khó tạo nên sự hứng thú tham gia của các quốc gia khác.

Đó là chưa nói, việc tham dự cũng gây nhiều tốn kém cho các quốc gia. Mặt khác, nếu chỉ vì để phát triển bóng đá nữ tại Đông Nam Á, vẫn có giải vô địch dành riêng cho các cô gái được tổ chức vào các năm không tổ chức SEA Games.

Nếu xét đơn thuần là một môn thi đấu của một đại hội thể thao, Indonesia có quyền và đủ lý do để loại bóng đá nữ. Vấn đề là những nước phản đối phải có đủ cơ sở để bác bỏ.

(Theo sggp online)