Vỡ đập thủy điện - thảm họa đã được báo trước

(NTO) Theo đài RFI, ít nhất 7 ngôi làng ở miền Đông Nam nước Lào đã bị ngập tối 23-7 do vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi. Dòng nước hung dữ đã cuốn đi nhiều căn nhà, người dân phải leo lên nóc những công trình còn trụ vững để trú ngụ, hoặc đeo bám trên cây. Hàng chục người chết và hơn 100 người mất tích.

Các hình ảnh của kênh truyền hình ABC Laos News cho thấy chỉ còn cây cối và một số nóc nhà trồi lên khỏi mặt nước bùn đục ngầu. Trong một video, một phụ nữ run rẩy bế một em bé bước lên một chiếc xuồng gỗ, cho biết mẹ của bà vẫn phải trốn trên một cành cây. Có ít nhất 6.000 người dân đã bị mất nhà.

Đập nước này được xây dựng trên một nhánh sông Mekong tại vùng cực Nam nước Lào, gần biên giới Việt Nam và Campuchia. Dự án đập thủy điện, với 90% sản lượng sẽ được bán cho Thái Lan một khi đi vào hoạt động, là công trình hợp tác giữa Lào với một công ty Thái Lan và 2 tập đoàn Hàn Quốc – trong đó có một chi nhánh của SK, một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc.

Dự án đập thủy điện 410 MW được ước tính bắt đầu hoạt động vào năm 2019, gồm 2 đập chính và 5 hồ chứa, làm chuyển dòng 3 nhánh sông. Chi nhánh kỹ thuật và xây dựng của Tập đoàn SK thông báo phần trên cao của một trong những công trình phụ “đã bị cuốn trôi” trong đêm 22-7, sau nhiều ngày mưa lớn.

Người dân sơ tán sau sự cố vỡ đạp thủy điện.

Hồ trữ nước dài 770 m và cao 16 m đã bị vỡ 1 ngày sau đó. Hiện trạng này khiến người ta đặt câu hỏi về những khiếm khuyết của hệ thống cảnh báo cho người dân địa phương, cho dù Tập đoàn SK nói rằng “đã báo động ngay lập tức cho chính quyền và bắt đầu di tản dân làng” vào tối 22-7.

45 đập thủy điện đang được xây dựng

Thảm họa này là minh chứng cụ thể cho mối quan ngại lâu nay tại một đất nước muốn trở thành “cột trụ châu Á” với tiềm năng to lớn về thủy điện. Là một quốc gia nhiều núi non hiểm trở, không có biển, từ 1 thập niên qua, Lào đã tung ra rất nhiều dự án thủy điện trên những dòng sông chính, trong đó có dòng Mekong và các phụ lưu.

Có đến 45 đập thủy điện được xây dựng tại Lào, trong đó 12 đập đã đi vào hoạt động. Theo ông Martin Burdett, cộng tác viên của tờ Tạp chí quốc tế về đập thủy điện (International Journal on Hydropower & Dams), Lào “có thể cung cấp 26.500 MW từ thủy điện, và hiện chỉ mới khai thác 25% tiềm năng này”.

Tuy nhiên, hậu quả là các sự cố liên tục xảy ra. Một đập thủy điện ở miền Trung Lào đã bị vỡ hôm 11-9-2017. Các quan chức địa phương cáo buộc đơn vị phụ trách đã xây dựng trên khu vực đầm lầy, đồng thời đổ thừa nguyên nhân là do mưa lũ. Trước đó, vào tháng 12-2016, một đường ống dẫn nước đến tuabin của một công trình thủy điện ở một tỉnh miền Nam, gần biên giới Việt Nam, cũng đã bị vỡ do được xây dựng trên vùng đất dốc từng xảy ra các vụ sạt lở đất và nay càng trở nên bất ổn vì công trường xây dựng đập nước.

Tác động tai hại của việc lạm dụng xây dựng thủy điện đối với môi trường đều đã rõ: hệ sinh thái sông ngòi bị xuống cấp, sự đa dạng các loài thủy sản bị ảnh hưởng, dẫn đến sản lượng ngư nghiệp đánh bắt từ sông Mekong ở vùng ĐBSCL bị giảm sút nặng nề.

Một dự án thủy điện lớn khác đang được tiến hành tại Lào là đập Xayaburi do tập đoàn Thái Lan CH Kamchang xây dựng, giá trị ước tính 3,8 tỉ USD, công suất 1.285 MW, khiến Việt Nam và Campuchia, hai quốc gia nằm ở hạ nguồn lo ngại.

Ông Marc Goichot, phụ trách chương trình nước của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tại khu vực sông Mekong nhận xét: “Một nước nhỏ vốn không có năng lực về kỹ thuật và quản lý để theo dõi các nghiên cứu về tác động, nhưng lại lao vào xây dựng một loạt đập thủy điện là đặc biệt nguy hiểm!”.

Theo ông Goichot: “Các công trình thủy điện quy mô rất hấp dẫn đối với một quốc gia đang phát triển, nhưng hàm chứa nhiều rủi ro. Khủng khiếp nhất là vỡ đập, và một trong những hậu quả cay đắng là ngành đánh cá bị suy tàn, khiến những người nghèo khổ nhất không còn phương kế mưu sinh”.

Chỉ tính lợi ích kinh tế trước mắt, bất kể thảm họa

Các công trình quan trọng được giới quan chức địa phương coi là đòn bẩy thăng tiến và ngân sách khổng lồ đổ vào cũng là nguồn tham nhũng trong một đất nước thiếu minh bạch. Các quan chức chính quyền được giao nhiệm vụ giám sát nhưng không có đủ kiến thức cần thiết để quản lý chặt chẽ dự án. Vì vậy, các tập đoàn xây dựng và điện lực lớn có thể thương lượng trên thế mạnh và thủ thế kỹ về mặt pháp luật, để đổ trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong trường hợp có vấn đề.

Đối với các ngân hàng lớn nước ngoài, những dự án thủy điện còn khả tín hơn khi được áp lên những con dấu của các công ty quốc doanh Trung Quốc. Quốc gia láng giềng khổng lồ này can dự vào một số lượng lớn các dự án, bên cạnh đó là Cơ quan sản xuất điện lực Thái Lan, khách hàng mua điện. Vì vậy, các dự án thủy điện được ưu tiên về tín dụng.

Các đập thủy điện được giới thiệu là chiến lược phát triển của Lào. Việc bán điện cho nước khác mang lại nguồn tài chính lớn cho Nhà nước, giảm bớt thâm hụt thương mại của một đất nước không có nền kỹ nghệ. Nhưng trên thực tế, các quyết định hành chính được đưa ra bởi các bộ chỉ quan tâm đến việc thu lợi nhanh chóng, mà không nghĩ đến tác động về lâu về dài và nguy cơ xảy ra những thảm họa.