Sức nóng của tình trạng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày một nóng, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông sẵn sàng đánh thuế lên 500 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng điều đáng quan tâm hơn có thể là những bình luận trực tiếp về đồng USD của “ông chủ Nhà Trắng”.

Ngày 20-7, trên trang Twitter cá nhân, ông Trump viết: "Trung Quốc, EU và các nước khác đang thao túng đồng tiền của nước họ và có lãi suất thấp hơn. Trong khi đó, Mỹ lại nâng lãi suất, còn đồng USD thì mạnh lên từng ngày, dẫn tới việc Mỹ mất đi lợi thế cạnh tranh. Như thường lệ, đây không phải là một sân chơi công bằng". Trước đó 1 ngày, khi trả lời phỏng vấn hãng CNBC, ông Trump tuyên bố sẵn sàng đánh thuế lên 500 tỷ USD hàng Trung Quốc, tương đương với tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ trong năm 2017 và nhấn mạnh đồng nhân dân tệ (NDT) đang rơi như một viên đá.

Sau những bình luận của ông Trump, vào ngày 20-7, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc) đã điều chỉnh tỷ giá tham chiếu giữa đồng NDT và đồng USD, giảm 605 điểm, về mức 6,7671 NDT/1USD. Điều đó có nghĩa rằng đồng NDT đã giảm thêm 0,9% so với phiên trước đó, là mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ hôm 13-8-2015. Đây cũng là ngày giao dịch thứ 7 liên tiếp mà đồng NDT giảm giá so với đồng USD. Tỉ giá tham chiếu của đồng NDT giảm mạnh đã khiến thị trường hoảng sợ. Ngay sau khi mở cửa thị trường, tỷ giá đồng NDT ở ngoài Trung Quốc đã giảm 500 điểm, phá vỡ ngưỡng 6,83 NDT/1 USD, là mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua. Còn tại Trung Quốc, tỉ giá đồng NDT giảm gần 394 điểm, phá vỡ ngưỡng 6,81 NDT/1 USD, lúc thấp nhất đạt 6,8128 NDT/1 USD. Chỉ tới khi các ngân hàng lớn ở Trung Quốc vào cuộc ổn định thị trường thì tỉ giá đồng NDT mới tăng trở lại, nhưng đóng cửa phiên cuối tuần vẫn giảm 61 điểm, tương đương 0,09%, về mức 6,7795 NDT/1 USD. Tính từ giữa tháng 4-2018 đến nay, đồng NDT đã mất khoảng 10% giá trị so với đồng bạc xanh của Mỹ.

Báo Đa chiều ngày 21-7 dẫn nhận định trên tờ Zero Hedge cho biết nếu đồng NDT giảm giá 25% sẽ loại bỏ ảnh hưởng tiêu cực từ việc Mỹ áp thuế trừng phạt 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và hai bên trở về vạch xuất phát. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa giữa Trung Quốc và Mỹ dường như đang xảy ra chiến tranh tiền tệ. Với hai phát biểu công khai nêu trên, ông Trump đã phá vỡ truyền thống được duy trì suốt mấy thập kỷ qua, đó là các đời Tổng thống Mỹ luôn tránh bình luận trực tiếp về đồng USD hoặc đường lối chính sách tiền tệ của đất nước. Chính sách tiền tệ là "địa hạt độc lập" của Cục Dự trữ liên bang (Fed) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ thường là người phát ngôn chính thức về đồng USD. Việc ông Trump quan tâm đặc biệt tới đồng USD, theo Hero Hedge, cho thấy Mỹ có thể sẽ ra đòn trả đũa quyết liệt nhằm vào Trung Quốc. Cụ thể: Mỹ sẽ trừng phạt nghiêm khắc việc Trung Quốc thao túng tiền tệ, mức độ có thể vượt xa việc sử dụng thuế quan trừng phạt Trung Quốc. Ngày 15-10 tới, Bộ Tài chính Mỹ có thể công bố báo cáo, chính thức liệt Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Tín hiệu liên quan có thể đã được phát ra. Theo hãng tin Reuters, khi nói về Trung Quốc mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết phía Mỹ “đang rà soát cực kỳ cẩn thận liệu họ có thao túng đồng NDT hay không”.

Theo Jens Nordvig, chiến lược gia tiền tệ hàng đầu tại Phố Wall, những lời lẽ trên của ông Trump chắc chắn sẽ chuyển chiến tranh thương mại thành chiến tranh tiền tệ. Nếu chiến tranh thương mại chuyển thành chiến tranh tiền tệ, báo Kinh tế cho rằng dòng vốn ở Trung Quốc càng có động cơ tháo chạy mạnh mẽ. Nếu tình huống này xuất hiện, ảnh hưởng tiêu cực của nó tới nền kinh tế Trung Quốc là không thể xem nhẹ. Đó là chưa nói tới việc đồng NDT phá giá mạnh sẽ làm suy yếu toàn diện sức cạnh tranh của nó trên thị trường quốc tế, khiến cho tiến trình quốc tế hóa đồng NDT bị gián đoạn, đương nhiên không có lợi cho đồng tiền Trung Quốc cũng như doanh nghiệp Trung Quốc đi ra bên ngoài.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 21-7 cho biết Tổng thống Trump không có ý định can thiệp vào các thị trường tiền tệ, đồng thời tái khẳng định đồng USD mạnh phản ánh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và nằm trong lợi ích lâu dài của Mỹ.

Phát biểu sau khi tới Buenos Aires, Argentina để tham dự Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ông Steven Mnuchin tuyên bố cả Tổng thống D.Trump và ông đều ủng hộ tính độc lập của Fed. Ông Mnuchin cho rằng phát biểu về việc đồng USD tăng giá quá mạnh không có nghĩa Tổng thống Trump sẽ can thiệp vào các thị trường tiền tệ. Ông cũng bày tỏ tin tưởng Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ làm tốt công việc của mình.

Cuộc họp cuối tuần ở Buenos Aires diễn ra giữa lúc cả Mỹ và Trung Quốc đều gia tăng những lời lẽ mạnh bạo. Bộ trưởng Mnuchin nói dù có một số hiệu ứng “vi mô” như thuế trả đũa đánh vào đậu nành, tôm hùm và rượu bourbon do Mỹ sản xuất, song ông không tin rằng thuế quan sẽ ngăn Mỹ đạt được mức tăng trưởng 3% liên tục trong năm nay. Ông Mnuchin, nói với các phóng viên ở thủ đô Argentina rằng chưa có hiệu ứng “vĩ mô” nào đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông nói: “Tôi vẫn nghĩ trên cơ sở vĩ mô, chúng tôi không thấy bất kì tác động nào đối với tăng trưởng rất tích cực”, đồng thời cho biết thêm rằng ông đang theo dõi sát giá thép, nhôm, gỗ và đậu nành.

Đồng USD sụt giảm nhiều nhất trong ba tuần qua vào phiên cuối tuần qua so với một rổ gồm 6 loại tiền tệ lớn sau khi ông Trump lại phàn nàn về sức mạnh của đồng USD và về việc Fed tăng lãi suất, kìm lại đà tăng trưởng vốn đã đưa đồng bạc xanh lên mức cao nhất trong một năm.

Ông Mnuchin sẽ cố gắng tập hợp các đồng minh trong những ngày cuối tuần để cùng Mỹ có hành động quyết liệt hơn chống lại Trung Quốc, nhưng họ có thể không sẵn lòng hợp tác vì thuế quan của Mỹ áp lên thép và nhôm nhập khẩu từ EU và Canada, khơi ra các biện pháp trả đũa.