Chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

(NTO) Trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã chủ động triển khai tuyên truyền kịp thời, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, quản lý của Nhà nước gắn với tăng cường công tác hòa giải cơ sở, từng bước xây dựng, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, do đó, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ liên quan công PBGDPL theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, Mặt trận, hội, đoàn thể (là thành viên của Hội đồng PHPBGDPL tỉnh) và UBND các huyện, thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, đề án tuyên truyền, PBGDPL để triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả, chất lượng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã tổ chức tuyên truyền, PBGDPL 1.810 cuộc, với 95.505 người tham dự; tổ chức 18 cuộc thi với 969 người tham dự; cấp, phát miễn phí 13.448 tài liệu PBGDPL; thực hiện 8.623 lần phát sóng chương trình PBGDPL trên đài truyền thanh cấp xã; 2.021 tin, bài về pháp luật được đăng tải, phát trên phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, Hội nghị triển khai, Hội thi, cuộc thi; chuyên trang, chuyên mục Hỏi - đáp pháp luật; hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; đăng tải tài liệu tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử; sinh hoạt Ngày Pháp luật... phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Mặt khác, công tác tuyên truyền PBGDPL còn chú trọng quán triệt các nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động nâng cao nhận thức, thực thi pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành công vụ và các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người dân như: Bộ Luật hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước; Bộ Luật dân sự; Bộ Luật tố tụng dân sự; Luật Trẻ em, Luật Hòa giải ở cơ sở…

Song song đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được quan tâm, chú trọng. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận 60 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện cũng được rà soát, công nhận kịp thời gồm 96 Báo cáo viên pháp luật; lực lượng tuyên truyền viên pháp luật ở cấp xã có 977 người, bảo đảm tiêu chuẩn, chuyên môn nghiệp vụ nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL theo nhiệm vụ được giao. Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được quan tâm, tập trung triển khai thực hiện; đã củng cố, kiện toàn 402 tổ hòa giải ở cơ sở với 2.718 hòa giải viên. Công tác tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở tiếp tục được UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt. Đã tiếp nhận, giải quyết các vụ việc hòa giải ở cơ sở với tổng số 472 vụ việc (hòa giải thành 321 vụ việc; hòa giải không thành 130 vụ việc; đang giải quyết 21 vụ việc; Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh; đến nay đã có 6/7 huyện, thành phố ban hành Kế hoạch để triển khai tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định như: Nhận thức về công tác PBGDPL chưa đáp ứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này; một số hình thức hoạt động chưa phù hợp với đối tượng tuyên truyền, phổ biến; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền PBGDPL chưa đồng đều, đặc biệt là ở cơ sở; kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc dành cho công tác PBGDPL chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để công tác tuyên truyền PBGDPL ngày càng nâng cao chất lượng, đảm bảo hiệu quả trong thời gian tới, ngành Tư pháp tiếp tục thực hiện quán triệt Chỉ thị số 32/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL; phát huy hơn nữa vai trò, nhiệm vụ đội ngũ làm công tác PBGDPL gắn với đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng và mở rộng hình thức tìm hiểu pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng, đẩy mạnh cung cấp thông tin trên các cổng thông tin, trang thông tin điện tử các các sở, ngành, địa phương để người dân có thể cập nhật thông tin, trao đổi, bàn luận và tìm hướng giải quyết cho những vấn đề bức xúc trong đời sống …