EU tìm kiếm sự ủng hộ của châu Á để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker sẽ có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Nhật Bản vào tuần tới nhằm tăng cường quan hệ do quan ngại Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “dốc toàn lực” cho một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu.

Chuyến công du của hai quan chức cấp cao của EU sẽ bao gồm việc ký kết một thỏa thuận thương mại tự do với Nhật Bản, do cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Brussels hồi tuần trước bị hoãn lại.

Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu, Margaritis Schinas, cho biết thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Nhật Bản sẽ là thỏa thuận lớn nhất chưa từng có của EU. Thỏa thuận này sẽ tạo ra một khu vực thương mại mở, chiếm gần 1/3 GDP thế giới.

Trong khi đó, tại Trung Quốc vào ngày 16-7 tới, hai nhà chức trách của EU sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường để thảo luận về tình hình căng thẳng chung giữa EU, Trung Quốc và Washington, sau khi hai bên gần đây đã đưa các mức thuế mới đánh lên hàng hóa Mỹ nhằm trả đũa các biện pháp tương tự của Tổng thống Trump.

EU và Trung Quốc cũng tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với trật tự thế giới dựa trên các quy tắc, trong đó có Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vốn đang phải đối mặt với những lời chỉ trích chưa từng có từ chính quyền của Tổng thống Trump.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc cũng sẽ thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu- một lĩnh vực khác mà EU bất đồng ý kiến với Tổng thống Trump sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu- và các vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên và Iran.

Chuyến công du châu Á của ông Donald Tusk và Jean-Claude Juncker diễn ra trong bối cảnh EU, gồm 28 nước thành viên, nỗ lực tìm kiếm đồng minh khi đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền Tổng thống Trump.