Cơ sở bảo trợ xã hội Trần Châu Nơi tình thương lan tỏa

(NTO) Tại thôn La Vang, xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) có một cơ sở thiện nguyện đang nuôi dưỡng 59 con người đến từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, mắc các chứng bệnh tâm thần, người già neo đơn, trẻ mồ côi tàn tật... Cơ sở ấy mang tên Cơ sở Bảo trợ Trần Châu do ông Trần Châu, 66 tuổi đứng ra thành lập năm 1995.

Trong số 59 con người nơi đây, có 8 người già, 12 trẻ mồ côi còn lại là thanh- thiếu niên, khoảng 90% mắc bệnh lý về thần kinh, một số người bị bại liệt. Mọi hoạt động từ ăn uống, tắm giặt, ngủ nghỉ cho người bệnh đến vệ sinh khuôn viên cơ sở do 6 nhân viên đảm nhận. Để làm được điều này quả thực không hề dễ dàng nếu không nói là quá vất vả. Đó là chưa kể những lúc người bệnh lên cơn đập phá hay ốm đau, bệnh tật. Vì thế, những nhân viên ở đây luôn có một tấm lòng bao dung vô bờ bến. Bởi bao dung với cả người “điên” có lẽ là điều khó khăn nhất nhưng thực tế chứng minh họ đã làm được. Không những không hắt hủi, cáu giận, gắt gỏng mà họ còn gần gũi ân cần với người bệnh. Họ đang từng ngày, từng giờ bù đắp những thiệt thòi trong cuộc sống cho những người vô gia cư này. Điều họ đặt lên trên hết khi vào làm việc tại cơ sở này chính là chữ Tâm và chữ Nhẫn. Chỉ có tấm lòng nhân ái và sự nhẫn nại mới giúp họ gắn bó với công việc hết sức vất vả này. Chú Tôn Thất Mỹ (sinh năm 1955), người có thâm niên 6 năm làm việc tại đây cho biết: Những người bệnh ở đây, mỗi người, mỗi tâm tính nên chú phải kiên trì, nhẫn nại tiếp xúc, trò chuyện để hiểu về họ, từ đó áp dụng vào quá trình chăm sóc, quản lý.

Nhân viên Cơ sở bảo trợ Trần Châu hướng dẫn các em nhỏ tại cơ sở học bài.

Tại cơ sở này, mỗi người một hoàn cảnh nhưng có điểm chung là không người thân thích, không nơi nương tựa, thậm chí là không tên. Nhưng có lẽ, đáng thương nhất vẫn là những em nhỏ sinh ra không may gặp chứng bệnh về thần kinh, bị cha mẹ bỏ rơi và được cơ sở cưu mang, chăm sóc. Ngoài chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, những cháu có khả năng phục hồi tốt, các cán bộ, nhân viên sẽ tiếp tục kèm cặp, dạy dỗ và tạo điều kiện cho đi học văn hóa. Nhờ vậy, các em bớt tủi thân, tự ti và luôn tràn đầy hy vọng khi nhìn về tương lai. Trong số hàng chục em nhỏ được cưu mang tại cơ sở trong suốt 23 năm qua, đã có một em học xong đại học và có công ăn việc làm ổn định, 2 em đang học lớp 8 và lớp 6. Thời gian này, các nhân viên ở đây đang dạy đọc, dạy viết cho hai cậu bé để chuẩn bị vào lớp 1. Họ đang gieo niềm tin sự hy vọng về tương lại cho các em qua từng giọng đọc, nét chữ.

Riêng đối với những người bị tâm thần, ngoài thuốc thang, theo dõi sức khỏe định kỳ, cơ sở luôn cố gắng phân công nhiệm vụ cắt cử nhân viên theo dõi trò chuyện, áp dụng điều trị bằng các liệu pháp tâm lý với hy vọng mang lại cho họ cơ may trở về cuộc sống của một con người bình thường. Hy vọng đó hoàn toàn có cơ sở, bởi 23 năm qua, cơ sở đã giúp cho 110 bệnh nhân phục hồi trí nhớ, trở về với người thân, gia đình và tái hòa nhập cộng đồng rất tốt. Đó cũng là động lực để cán bộ và nhân viên ở đây nỗ lực từng ngày hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Trong khi đó, với những người già không nơi nương tựa như cụ bà Nguyễn Thị Mai thì Cơ sở Bảo trợ Trần Châu lại là ngôi nhà bình yên nhất khi đang ở tuổi “gần đất xa trời”. Biến cố cuộc đời đưa người con của mảnh đất Quảng Bình đến với cơ sở này khi bước qua tuổi 70 và gắn bó đến tận bây giờ. Hơn 20 năm nương nhờ, gắn bó với ngôi nhà này, nhìn lại cụ thấy mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người khác khi không tìm cho mình được một nơi ăn chốn ở đàng hoàng và luôn sống cuộc đời cô lẻ. Cụ vui vẻ cho biết: Mặc dù không người thân thích nhưng ở đây cụ rất vui vì có nhiều người làm bạn, được trò chuyện với cán bộ, nhân viên của cơ sở. Những lúc khỏe mạnh, cụ giúp nhân viên làm một số việc vặt nhưng khi ốm đau lại có người lo lắng, chăm sóc thuốc thang, cơm cháo… Và cụ càng yên tâm hơn khi lỡ mai này nằm xuống, cụ lại được cơ sở mai táng và chôn cất, nhang khói đầy đủ. Những năm qua, 37 người đã trút hơi thở cuối cùng nơi đây và được chôn cất đúng nghi lễ.

Nói về ước muốn của mình, ông Trần Châu, người đứng ra thành lập cơ sở cho biết: Ông muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả những tấm lòng hảo tâm, những mạnh thường quân, những nhân viên đã và đang làm việc, giúp đỡ và đồng hành cùng cơ sở trong suốt thời gian qua. Họ chính là những người giúp ông thực hiện được tâm nguyện giúp đỡ, cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Cố gắng chăm lo thật tốt cho những số phận kém may mắn trong xã hội, biến nơi đây thành địa chỉ để tình người lan tỏa, đó cũng là ước muốn của ông Trần Châu.