Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh

(NTO) Thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-TU ngày 30-9-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng với công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020”, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên đất đai ngày càng đạt hiệu quả hơn.

Ngay sau khi Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của tỉnh được Chính phủ xét duyệt, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời nhiều văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thực hiện theo đúng quy định. Kết quả, toàn tỉnh đã thực hiện được trên 290.879,94 ha đất nông nghiệp, cao hơn 14.566,94 ha so với quy hoạch được duyệt, vượt 5,27% chỉ tiêu, cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển của ngành nông, lâm, thủy sản. Về đất phi nông nghiệp như đất phát triển hạ tầng thực hiện 12.142,29 ha, đạt 83,97%; đất ở tại đô thị thực hiện 1.111,73 ha, đạt 75,83% so với kế hoạch được duyệt... Nhóm đất nông nghiệp được sử dụng hợp lý và hiệu quả, cùng với việc tỉnh chú trọng ưu tiên đầu tư các công trình như giao thông, thủy lợi đã tạo điều kiện cho người dân khai thác tốt hơn tiềm năng đất đai vào phát triển nông nghiệp; nhóm đất phi nông nghiệp đáp ứng nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch, chỉnh trang và xây dựng mới các khu dân cư đô thị và nông thôn, góp phần từng bước làm thay đổi diện mạo của tỉnh.

Cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Thuận Nam phối hợp
với UBND xã Phước Ninh (Thuận Nam) hướng dẫn người dân kê khai đăng ký đất đai.

Được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên và quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể và sự đồng tình của nhân dân, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu UBND tỉnh thu hồi với tổng diện tích 794,57 ha (theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai năm 2013). Trong đó, có 29,54 ha đất ở; 585,16 ha đất nông nghiệp; 178,21 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; 1,65 ha đất chưa sử dụng; đã chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất (bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất, hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm) với tổng số tiền 1.554 tỷ đồng cho hơn 8.654 hộ bị ảnh hưởng, đồng thời bố trí tái định cư cho 188 người bị thu hồi đất. Nhờ đó, ngày càng có nhiều khu đô thị mới được hình thành như Khu K1, Khu K2, Khu dân cư Bắc Nguyễn Văn Cừ, ...

Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, đối với tổ chức, đã cấp GCNQSDĐ cho 1.172 tổ chức/2.648 vị trí đất/174.333,64 ha, đạt 100%. Đối với hộ gia đình, cá nhân, đã cấp GCNQSDĐ cho 58.404,16 ha, đạt 98% diện tích phải cấp; trong số này đất nông nghiệp diện tích cấp đạt 98,7%, đất ở đạt 95%. Ngoài ra, đến nay đã có trên 96% thửa đất đang sử dụng trên địa bàn tỉnh đã được kê khai đăng ký theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính về đất đai để bảo đảm huy động tối đa nguồn lực đất đai phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng công tác cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai như giao đất, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch và nhanh gọn; tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân và các tổ chức, đơn vị hiểu rõ các chính sách, pháp luật về đất đai để nghiêm túc thực hiện.