Ban Đại diện - Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh: Đánh giá hoạt động tín dụng 6 tháng đầu năm 2018

(NTO) Ngày 12-7, Ban Đại diện-Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ quý II đánh giá hoạt động tín dụng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ quý III-2018. Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Ngày 12-7, Ban Đại diện-Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ quý II đánh giá hoạt động tín dụng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ quý III-2018. Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Trong 6 đầu năm, hoạt động tín dụng của NHCSXH tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả. Tổng doanh số cho vay đạt 487,9 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đến ngày 30-6 đạt trên 1.925 tỷ đồng, tăng 153,4 tỷ đồng so với đầu năm. Thông qua nguồn vốn vay của NHCSXH giúp cho hàng chục ngàn hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Trong quý III, Ban Đại diện- Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo Ban Đại diện - Hội đồng Quản trị các cấp thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách về hoạt động tín dụng. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 67-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Phối hợp với các địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng đến đúng đối tượng; xử lý tốt các khoản nợ quá hạn...

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được của NHCSXH tỉnh thời gian qua; yêu cầu trong thời gian tới, Ban Đại diện - Hội đồng Quản trị các cấp, các hội, đoàn thể nhận ủy thác tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới cách thức hoạt động, nâng cao năng lực trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Chủ động rà soát, đánh giá, nhận định được những khó khăn, vướng mắc trên cơ sở đó đề ra các giải pháp để giải ngân tốt các nguồn vốn tín dụng bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, nhất là các nguồn vốn hiện đang khó khăn trong công tác giải ngân như: cho vay nhà ở xã hội, chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đối tượng nghèo; cho vay đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường thu hồi tốt nợ đọng quá hạn; quan tâm xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm có cách làm hay ở cơ sở. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động các Tổ tiết kiệm và cho vay bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng… hướng đến ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.