Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững

Bài 2: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần thực chất và lâu dài

(NTO) Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm tiết kiệm nước, nâng cao hiệu quả sản xuất trong điều kiện khô hạn là điều tất yếu. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi mang tính bền vững, lâu dài rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành và địa phương.

Để thực hiện việc chuyển đổi đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, trong thời gian qua ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương, rà soát xác định quy mô, địa điểm và đối tượng cây trồng để triển khai việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng cạn, nhất là tại những vùng hưởng lợi từ các hồ chứa thường xuyên thiếu nước tưới, để cân đối và điều tiết lượng nước cho phù hợp và định hướng chuyển đổi các loại cây trồng có hiệu quả theo hướng bền vững, ổn định lâu dài. Bên cạnh đó, cử cán bộ kỹ thuật, tổ chức tập huấn các biện pháp canh tác cây trồng; trực tiếp bám sát đồng ruộng, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân trong vùng chuyển đổi cây trồng; khuyến cáo người dân tuân thủ lịch thời vụ, đảm bảo quản lý tốt nhất về tình hình sâu bệnh gây hại, cũng như tạo sự thuận lợi trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Nông dân huyện Ninh Sơn trồng cây đậu xanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thanh Long

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các loài cây trồng dài ngày. Bởi người dân vẫn còn rất khó khăn trong việc phải tính toán để ổn định nguồn lương thực đảm bảo ổn định cuộc sống hiện tại. Mặt khác về chủ quan, các ngành, địa phương chưa chủ động tập trung phổ biến, triển khai đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước một cách kịp thời đến với người dân, để tạo sức thu hút. Bên cạnh đó, các địa phương xác định quy mô chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn mang tính thời vụ, chưa bền vững và còn nhỏ lẻ manh mún, làm hạn chế việc tham gia liên kết bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, mặc dù diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng cơ bản đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhưng chất lượng chưa cao, thị trường tiêu thụ còn thiếu ổn định.

Đơn cử như tại huyện Bác Ái, vụ đông-xuân năm nay, nông dân đã chuyển đổi những diện tích đất không chủ động nước để trồng dưa hấu với tổng diện tích 102 ha. Qua thu hoạch, năng suất trung bình đạt 300 tạ/ha, với giá bán 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mà nông dân thu được gấp 9 lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là cây dưa chỉ trồng mang tính thời vụ, phụ thuộc rất lớn vào thị trường tiêu thụ, nên việc chuyển đổi, mở rộng diện tích phải tính toán cân nhắc, thận trọng theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp.

Để đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành Nông nghiệp đang chú trọng công tác tuyên truyền, thông báo, hướng dẫn các nội dung triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng để các địa phương rà soát, đề xuất vùng chuyển đổi cây trồng cho cả giai đoạn 2018-2020; đồng thời thành lập đoàn công tác tới từng địa phương hướng dẫn thực hiện và đề xuất các giải pháp nhằm ứng phó với tình hình hạn hán. Trên tinh thần đó, các địa phương đã đề xuất vùng chuyển đổi cho từng vụ. Trong đó, vụ hè -thu và vụ mùa năm 2018 sẽ chuyển đổi khoảng 782 ha. Riêng vụ hè-thu chuyển đổi 721,6 ha, chủ yếu tập trung và chuyển đổi đối với cây ngắn ngày.

Nông dân xã Phước Vinh (Ninh Phước) trồng bắp lai giống
mang lại hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: Tiến Mạnh

Theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông đối với các vùng sản xuất tại một số hồ đập như: Hồ Phước Trung, Phước Nhơn, Bà Râu, Ông Kinh, Thành Sơn, La Ranh, Bàu Zôn, Suối Lớn, Bàu Ngứ, do dung tích hồ nhỏ, không có nguồn nước bổ sung thường xuyên, diện tích gieo trồng cần tưới lớn so với thiết kế nên các địa phương cần phải quyết liệt và chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nếu không sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước không đảm bảo để phục vụ sản xuất. Tại các hệ thống bơm dọc kênh Nam, kênh Bắc, các địa phương cần có kế hoạch tổ chức sản xuất đối với những cây trồng ít sử dụng nước, gắn với chính sách hỗ trợ của tỉnh về đầu tư thiết bị tưới tiết kiệm nhằm ổn định sản xuất của người dân một cách bền vững. Bên cạnh đó cần chủ động rà soát, xác định vùng, quy mô, đối tượng cây trồng chuyển đổi trước mắt cho năm 2018 gắn với triển khai chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ và quyết định của UBND tỉnh. Các địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp, tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân các biện pháp, kỹ thuật canh tác phù hợp với đối tượng cây trồng; thành lập các tổ liên kết, hợp tác sản xuất, cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân đảm bảo tính bền vững, góp phần cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang tính ổn định, lâu dài.