Thuận Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp

(NTO) Thời gian qua, UBND huyện Thuận Nam xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, nhất là tập trung xây dựng chính quyền điện tử, một cửa điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Qua đó, góp phần tạo đột phá trong công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn huyện, bảo đảm tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, công khai, minh bạch trong việc giải quyết các thủ tục hành chính đem lại sự hài lòng, tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng chí Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, cho biết, thực hiện theo phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, UBND huyện đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai ứng dụng CNTT trên địa bàn huyện. Theo đó, huyện đã ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước năm 2018; kịp thời đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho công tác ứng dụng CNTT.

Người dân tra cứu thông tin tại bộ phận một cửa điện tử của huyện Thuận Nam.

Đến nay, 100% cơ quan nhà nước thuộc huyện được kết nối vào mạng nội bộ; 100% UBND các xã được kết nối Internet băng thông rộng phục vụ công tác chuyên môn; tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức cấp huyện đạt 100% và cấp xã 80%; 100% máy tính được cài đặt phần mềm diệt virut và các phần mềm tiện ích khác. Đồng thời, huyện cũng đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo CNTT và Ban Biên tập Trang thông tin điện tử của huyện, nhờ đó, hằng năm đã đăng tải hơn 200 tin, bài về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh; 294 thủ tục hành chính cấp huyện đảm bảo đúng theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ Quy định “Về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước”. Tăng cường chỉ đạo CB,CC,VC các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện và UBND các xã sử dụng thành thạo thư điện tử; gửi và nhận văn bản có tích hợp chứng thư số qua phần mềm “Hệ thống chương trình quản lý văn bản và hồ sơ công việc” TDOffice theo quy định tại Quyết định số 42/2017/QĐ-UBND ngày 5-6-2017 của UBND tỉnh gắn với đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin…

Đồng chí Lê Huyền cho biết thêm, việc ứng dụng CNTT của huyện 6 tháng đầu năm 2018, số văn bản nhận qua mạng là 11.854 văn bản, trong đó cấp huyện 5.938 văn bản; số văn bản gửi qua mạng là 3.897 văn bản, trong đó cấp huyện 2.956 văn bản. Đối với hệ thống “một cửa” điện tử tại UBND huyện được đầu tư tương đối đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật, giúp các tổ chức và cá nhân đến liên hệ thực hiện thủ tục hành chính thuận lợi, dễ dàng; quy trình thủ tục được niêm yết đầy đủ, rõ ràng; công tác điều hành khoa học, công khai, minh bạch, hạn chế những hành vi nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Nhờ đó, việc tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận “một cửa” điện tử hoạt động hiệu quả. Tổng số hồ sơ tiếp nhận tại bộ phận “một cửa” là 2.326 hồ sơ, trong đó, số hồ sơ xử lý trước hẹn 1.511 hồ sơ; số hồ sơ xử lý đúng hẹn 688; số hồ sơ đang xử lý 101; không có hồ sơ trễ hẹn. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nâng cấp 35/294 thủ tục hành chính cấp huyện lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Tổng số hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến trong 6 tháng đầu năm là 95 hồ sơ và không có hồ sơ trễ hẹn…

Trong thời gian tới, UBND huyện Thuận Nam tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã trong việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng hiệu quả CNTT; tiếp tục phổ biến, quán triệt cho CB,CC,VC thay đổi nhận thức, thói quen làm việc theo cách truyền thống sang phương thức xử lý công việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, linh hoạt, hiệu quả, phục vụ doanh nghiệp và người dân mọi lúc, mọi nơi trên môi trường mạng. Tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT, sử dụng các phần mềm hệ thống, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tiếp tục triển khai việc sử dụng chữ ký điện tử cho các cơ quan cấp huyện và UBND các xã thực hiện các giao dịch điện tử; triển khai mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Triển khai dự án, chương trình ứng dụng công nghệ thông tin theo lộ trình phát triển của tỉnh đúng tiến độ, hiệu quả từng bước xây dựng chính quyền điện tử...