Đẩy mạnh công tác truyền thông về biến đổi khí hậu

(NTO) Trong những năm qua, tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra rất phức tạp. Tại tỉnh ta, những biểu hiện và tác động của BĐKH đã gây ra nhiều thách thức về sự thiếu hụt nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp cũng như nước sinh hoạt cho người dân. Các giải pháp thích hợp nhằm để giảm thiểu sự gây ra của BĐKH đã được triển khai, đặc biệt công tác truyền thông đang được đẩy mạnh, để người dân nhận biết về sự biến đổi của khí hậu.

Ông Võ Ngọc Minh, Phó Giám đốc Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện (TH) các dự án ODA ngành nước tỉnh cho biết: Nhận thấy sự cần thiết trong công tác về truyền thông BĐKH, nên thời gian qua, Ban đã sản xuất bộ công cụ tranh truyền thông về biến đổi khí hậu thông qua sự tài trợ của Dự án Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với BĐKH do Chính phủ Vương Quốc Bỉ tài trợ. Trong năm 2017, Ban cũng đã tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông và sử dụng bộ công cụ tranh cho 2 nhóm Câu lạc bộ xanh, Trường THCS Trương Định (Ninh Phước) và nhóm cộng đồng phường Văn Hải, xã Thành Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), với trên 50 thành viên tham gia. Sau tập huấn, các đơn vị trên đã đăng ký truyền thông tại địa phương. Tín hiệu đáng ghi nhận, từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2018, 3 đơn vị trên đã tổ chức 29 buổi truyền thông sử dụng bộ công cụ tranh, qua đó đã nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về BĐKH và tài nguyên nước cho khoảng 1.600 người. Chị Phan Thị Lệ Thúy, phường Văn Hải, là tuyên truyền viên tích cực, đã trực tiếp tuyên truyền cho hội viên hội phụ nữ các khu phố của phường về tác động của BĐKH. Chị Thuý cho hay, qua phiếu khảo sát, sau mỗi lần tuyên truyền, kiến thức và nhận thức của người dân về BĐKH đã được nâng cao.

Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh
đẩy mạnh công tác truyền thông về BĐKH cho các hội viên phụ nữ nhận biết để truyền thông.

Ngoài ra, Ninh Thuận được biết đến là một địa phương chịu tác động mạnh của BĐKH, vì vậy các ngành và chính quyền tỉnh đã nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp để giảm thiểu tình trạng sa mạc hóa. Hướng đến phát triển Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp, trong năm qua, Ban Xây dựng năng lực và TH các dự án ODA ngành nước tỉnh cũng đã phối hợp với cộng đồng đóng góp 260 triệu đồng thực hiện đề án trồng cây xanh xung quanh khu vực hồ điều hòa. Đây là việc cần thiết đối với một địa phương thường xuyên xảy ra khô hạn.

Điều dễ nhận thấy, đẩy mạnh công tác truyền thông về BĐKH đã có ảnh hưởng tích cực về nhận thức bảo vệ môi trưởng của các hội viên Hội Phụ nữ. Tại Hội LHPN Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã thành lập mô hình Câu lạc bộ “Xách giỏ đi chợ-Hãnh diện của người nội trợ” tại 7 xã, phường với 350 thành viên tham gia. Thêm vào đó, Ban xây dựng năng lực và TH các dự án ODA ngành nước tỉnh đã truyền thông về BĐKH tại các địa phương như: Phước Tiến (Bác Ái), Nhơn Sơn, Tân Sơn (Ninh Sơn), phường Bảo An (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm)...; phối hợp với Nhóm cộng đồng xã Thành Hải, phường Văn Hải (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm), thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) thực hiện truyền thông dự án thí điểm kiên cố hóa kênh Cầu Ngòi. Xây dựng các nội dung truyền mang thông điệp sử dụng tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH…

Ông Võ Ngọc Minh, cho biết thêm: Nhận thấy tín hiệu quả của phương pháp truyền thông về BĐKH trong năm qua, vào cuối tháng 6-2018, Ban đã phối hợp với chuyên gia truyền thông cộng đồng thuộc Ban Hỗ trợ kỹ thuật (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông và sử dụng bộ công cụ tranh với các chủ đề “Biến đổi khí hậu-Chung tay giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Giải pháp ứng phó BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính”, cho các đoàn viên-thanh niên, hội viên phụ nữ thuộc các huyện Ninh Hải, Ninh Phước và Tp. Phan Rang – Tháp Chàm để nhân rộng mô hình truyền thông này trong cộng đồng. Trong thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh truyền thông về BĐKH, để từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng và có giải pháp ứng phó một cách hiệu quả do BĐKH gây ra.