Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội

(NTO) Thời gian qua, cùng với hệ thống Mặt trận cả nước, MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội, các ban, ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động giám sát (GS), phản biện xã hội (PBXH) trên các lĩnh vực bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể trong hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh.

Những kết quả nổi bật

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW (Quyết định 217) của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính tri-xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW (Quyết định 218) của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, 5 năm qua, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều đợt GS tại các địa phương về những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính sách của nhân dân. Công tác GS theo chương trình kế hoạch hằng năm tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm như: GS thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; GS cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; GS bảo đảm an toàn thực phẩm… Sau mỗi đợt GS đều có những kiến nghị, đề xuất cụ thể và được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo xử lý, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại. Bên cạnh hoạt động GS hằng năm, từ ý kiến, kiến nghị của cử tri, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn tiến hành các cuộc GS đột xuất mang lại hiệu quả tích cực. Nổi bật như: GS công trình dự án tái định cư thôn Lập Lá, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn); GS tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bác Ái; GS, kiến nghị và được cấp có thẩm quyền cho tạm dừng dự án khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, khói bụi tại xã Phương Hải (Ninh Hải) được nhân dân đồng tình cao…

Trong công tác PBXH, hệ thống Mặt trận các cấp đã phát huy được vai trò của các tổ chức thành viên, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận và nhân dân; xác lập mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội với các cơ quan có thẩm quyền. Qua 5 năm triển khai, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổ chức 4 cuộc PBXH và góp ý vào 68 văn bản dự thảo (sửa đổi Luật), các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương và địa phương.

Nhìn chung, qua triển khai thực hiện Quyết định 217, Quyết định 218 của Bộ Chính trị, các hoạt động GS và PBXH đã đem lại kết quả quan trọng, tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức và sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân đối với vai trò GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Tiếp tục nâng cao chất lượng

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức học tập, quán triệt các văn bản thực hiện Quyết định 217, Quyết định 218 ở một số địa phương, đơn vị còn chậm. Công tác GS và PBXH của Mặt trận và các đoàn thể ở một số lĩnh vực còn gặp khó khăn, hiệu quả chưa cao, mới chỉ thực hiện chức năng GS, còn PBXH chủ yếu là góp ý. Việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về quyền lợi chính đáng của các tầng lớp nhân dân còn hạn chế…

Nhằm nâng cao chất lượng công tác GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, tại Hội nghị tọa đàm “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội” thuộc Cụm thi đua MTTQ Việt Nam các tỉnh miền Đông Nam Bộ vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã kiến nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định cụ thể về trách nhiệm, nội dung, phương pháp, quy trình góp ý xây dựng Đảng, chính quyền (theo Quyết định 218) và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tiếp thu, chỉ đạo xử lý những kiến nghị, đề xuất sau GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội; quy định trách nhiệm của cơ quan được GS, cấp trên của đơn vị được GS phải có thông báo phản hồi giải quyết, xử lý các kết luận, kiến nghị giám sát đến MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội…

Tin rằng từ việc đúc rút kinh nghiệm và những kiến nghị, đề xuất, thời gian tới, công tác GS và PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh sẽ không ngừng nâng cao hiệu quả, góp phần phát huy vai trò của hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.