Bảo vệ an ninh mạng là chính vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích mọi người

Bài 2: Internet không phải là khu vực không có luật pháp

Trước và sau khi Luật An ninh mạng được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ năm, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí trong nước và ngoài nước đã đưa ra luận điệu xuyên tạc, phản đối, phủ nhận… Thậm chí, có sứ quán nước ngoài còn “kêu gọi hoãn việc bỏ phiếu dự luật”! Dù vậy, cần khẳng định sự ra đời Luật An ninh mạng là sự thích ứng kịp thời của luật pháp Việt Nam trước nhiều biến chuyển của thời đại để bảo vệ xã hội, bảo vệ công dân.

Ngày 14-6-2018, trang điện tử tờ Thời gian (Zeit) ở CHLB Ðức đăng bài "Kích động trên internet: cuộc tiến công trên toàn Liên bang chống lại các bình luận thù địch". Bài cho biết, theo Cục Cảnh sát hình sự Liên bang (BKA), sáng sớm 14-6, 20 đơn vị cảnh sát ở Berlin (Béc-lin) và chín bang khác đã kiểm tra nhiều căn hộ, bắt giữ 29 người do bị cáo buộc đã đăng trên internet (in-tơ-nét) các bình luận gây hận thù, kêu gọi hành vi phạm tội, và nhiều máy tính đã bị thu giữ. BKA khẳng định internet không phải là khu vực không có luật pháp, khi đưa ra ngôn từ kích động thù địch trên mạng xã hội hoặc diễn đàn trực tuyến. Người vi phạm không những phải xóa bỏ bình luận mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù cao nhất 5 năm. Qua sự kiện nêu trên có thể thấy BKA nghiêm túc thực thi Luật về an ninh mạng của CHLB Ðức (NetzDG), đáp ứng điều năm 2016 Liên hiệp châu Âu (EU) cho rằng mỗi quốc gia cần đưa ra đạo luật nhằm hạn chế, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các phát ngôn lạm dụng quyền tự do ngôn luận. Tháng 5-2016, EU cùng các nhà quản lý bốn mạng xã hội ký bộ quy tắc ứng xử nhằm chống lại các phát ngôn gây thù hận trên mạng. Theo bộ quy tắc này, các nhà quản lý của Facebook, Microsoft, Twitter, YouTube cam kết sẽ ngăn chặn sự phát tán phát ngôn thù hận trên mạng xã hội của họ, 24 giờ sau khi nhận được thông báo phải xét duyệt, xóa bỏ các phát ngôn tiềm ẩn nội dung gây thù hận.

Sự kiên quyết của EU và hành động của BKA cho thấy khi người sử dụng internet hoặc tham gia mạng xã hội vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo pháp luật, và nhà cung cấp dịch vụ internet cũng liên đới trách nhiệm. Có một thực tế là hiện nay không ít người quan niệm việc làm của họ trên internet là "quyền cá nhân", từ đó bất chấp luật pháp, bất chấp các hậu quả nguy hiểm với xã hội. Ðó là cơ sở lý giải vì sao trên internet và mạng xã hội, bên cạnh rất nhiều thông tin khoa học và chín chắn lại xuất hiện đủ loại tin tức và luận điệu dối trá, tin đồn thất thiệt, xúc phạm, vu cáo, vu khống, xúi bẩy, lừa đảo, tiến công uy tín chính phủ, kích động bạo lực, chửi bới, đe dọa, bày cách trốn thuế, chiếm đoạt tài khoản, hướng dẫn chế tạo bom mìn, sử dụng vũ khí… Cũng là cơ sở lý giải vì sao trong báo cáo minh bạch, Google lại cho biết trong sáu tháng cuối năm 2017, Mỹ có 16.054 yêu cầu Google tiết lộ dữ liệu của người dùng, Ðức 6.960 yêu cầu, Anh 3.773 yêu cầu, Pháp 5.842 yêu cầu… (xem trang transparencyreport.google.com). Tương tự, báo cáo minh bạch của Facebook cho biết, năm 2017 Mỹ có 47.127 yêu cầu về dữ liệu, Canada (Ca-na-đa) có 1.334 yêu cầu, Brazil (Bra-xin) có 1.596 yêu cầu, Ấn Ðộ 1.284 yêu cầu… (xem trang transparency.facebook.com). Ðáng chú ý trong các báo cáo đó, yêu cầu cung cấp số liệu người dùng từ cơ quan chức năng của Việt Nam rất ít, thậm chí bằng "0". Tất nhiên, ở đây cần phân biệt rõ bản chất giữa yêu cầu tiết lộ dữ liệu người dùng với yêu cầu ngăn chặn video xấu độc, gỡ bỏ tài khoản giả mạo hoặc đường dẫn rao bán, quảng cáo sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp...

Số liệu dẫn ra đã phần nào cho thấy việc cơ quan chức năng nhà nước yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ internet, nhà quản lý mạng xã hội cung cấp dữ liệu về người dùng là phổ biến trên thế giới. Vì thế, việc khoản 2 Ðiều 26 Luật An ninh mạng của Việt Nam xác định một trong các trách nhiệm của doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng ở Việt Nam: "Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng" là điều hết sức bình thường và không chỉ đặt ra ở Việt Nam. Quy định này là nhằm mục đích bảo đảm sự chính xác, bảo mật thông tin của người sử dụng. Ðồng thời, xác định rõ chỉ khi cần phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng thì lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng mới được gửi văn bản tới nhà mạng yêu cầu cung cấp thông tin người dùng.

Cũng cần đề cập thêm quan niệm, thái độ của các nhà mạng đối với vấn đề trên. Chẳng hạn với Facebook, tháng 4-2018, sau khi tổ chức khủng bố "Việt tân" công bố thư của gần 50 cái gọi là "tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập Việt Nam" gửi chủ tịch điều hành Facebook để phản đối việc mạng xã hội này gỡ bài, khóa tài khoản, kêu gọi không thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam. Trong thư trả lời, bên cạnh "cam kết bảo vệ quyền lợi của người dùng Facebook ở Việt Nam", đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Facebook viết: "Cũng có lúc chúng tôi phải tháo gỡ hay chặn không cho truy cập nội dung vì nó vi phạm luật pháp của một quốc gia nào đó, mặc dù nội dung đó không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi. Chúng tôi có một thủ tục xử lý đã quy định rõ, không có gì khác biệt cho Việt Nam so với trên thế giới". Tổ chức khủng bố "Việt tân", mấy tổ chức, cá nhân hoạt động bất hợp pháp đã phải im lặng trước trả lời rõ ràng này.

Cùng việc tảng lờ mục đích của Luật An ninh mạng là xây dựng không gian mạng lành mạnh, tạo cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, của doanh nghiệp ở trong nước và ngoài nước, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn hệ thống thông tin an ninh quốc gia, hoạt động điều hành của chính phủ và các cơ quan giữ vai trò tổ chức chỉ đạo, quản lý phát triển kinh tế - xã hội…, các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí còn tập trung khoét sâu, xuyên tạc, phủ nhận quy định lưu trữ dữ liệu về người sử dụng dịch vụ, dữ liệu mà người sử dụng dịch vụ ở Việt Nam đã tạo ra, cũng như quy định về cung cấp thông tin người dùng để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Ðưa ra luận điệu như vậy, họ không biết hay cố tình không biết Facebook, Google đã đặt hàng nghìn máy chủ tại các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu của Việt Nam, như đến tháng 8-2017, Facebook có khoảng 300 máy chủ với dung lượng khoảng 1.900 Gbps; Google có 1.238 máy chủ với dung lượng khoảng 8.158 Gbps? Từ đó có thể thấy, bản chất của việc khoét sâu, xuyên tạc, phủ nhận là do họ lo ngại thủ phạm của các trò mạo danh, lập tài khoản giả, nhân danh dân chủ, nhân quyền để vu cáo, xuyên tạc, bịa đặt, chống phá, dựng chuyện, xúc phạm cá nhân, đổi trắng thay đen… sẽ bị lật tẩy. Sau một thời gian dài bất chấp luật pháp, bất chấp đạo lý để tự do tung tác trên internet và mạng xã hội, giờ đây những cá nhân này sẽ phải đối diện với Luật An ninh mạng. Trong bối cảnh đó, luật pháp cũng sẽ không loại trừ trường hợp một số người tuy không nắm được vấn đề nhưng lại nhẹ dạ, mơ hồ mà tin theo, a dua với kẻ xấu. Nếu là người nghiêm túc, thiện tâm, có ý thức pháp luật và lên tiếng một cách cầu thị, phê phán có tính xây dựng thì sẽ luôn được hoan nghênh, lắng nghe. Còn làm ngược lại, thì ở Việt Nam hay ở quốc gia nào khác cũng chắc chắn sẽ nhận hậu quả.

Với tính hệ thống của nó, Luật An ninh mạng đề cập chi tiết, cụ thể những nội dung giữ vai trò bảo đảm các hoạt động trên không gian mạng luôn hữu ích với người sử dụng, góp phần tạo dựng môi trường giao thương, học tập, trao đổi, giao lưu, tâm tình. Chính do vậy, xét đến cùng, số người vì không được đáp ứng đòi hỏi ích kỷ, lo ngại không còn cơ hội chửi bới, vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ chính quyền, xúc phạm người khác, sợ hãi việc làm xấu xa trên internet hay mạng xã hội sẽ bị lộ tẩy… nên bác bỏ, phủ nhận, xuyên tạc, gán cho Luật An ninh mạng điều tự thân luật không chuyển tải. Hành vi đó là vô trách nhiệm với đất nước, với dân tộc. Dư luận không thể không đặt câu hỏi chẳng lẽ theo họ, sau khi Luật An ninh mạng đã được Quốc hội Việt Nam thông qua, chính Facebook cũng trở thành nạn nhân của tin giả như "đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để chuẩn bị thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam" và Giám đốc Facebook Việt Nam phải cải chính về thông tin không chính xác trên lại có thể coi là điều bình thường? Là tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, lương tâm lẽ nào lại thờ ơ khi rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp và hàng chục nghìn cá nhân bị kẻ xấu lừa đảo, vu oan, chiếm đoạt tài khoản, chiếm đoạt hệ thống dữ liệu phải tốn công sức mới gây dựng được? Tự nhận là quan tâm tới Việt Nam, chẳng lẽ họ không băn khoăn khi số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Bkav cho biết năm 2017, 63% số người dùng tại Việt Nam thường xuyên đọc tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó có 40% là nạn nhân hằng ngày. Hay chính là họ đang cố tình muốn góp phần làm các tỷ lệ này tăng lên?

Những năm qua, để bảo đảm đất nước có những bước đi vững chắc tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", bảo đảm sự nghiệp xây dựng và Tổ quốc ngày càng được củng cố, Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, đất nước đã bổ sung, hoàn chỉnh hoặc xây dựng mới nhiều bộ luật cũng như ngày càng hoàn thiện hệ thống các nguyên tắc ứng xử chung có tính chất bắt buộc phù hợp với yêu cầu tổ chức, quản lý, điều hành tiến trình phát triển xã hội, con người trong thời kỳ mới. Các bộ luật đó thể hiện ý chí của dân tộc. Ðó là biểu thị của nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, của tinh thần tự quyết và tự chủ. Vì vậy, là công dân có trách nhiệm với đất nước cần đồng hành cùng Quốc hội và Nhà nước, ý kiến đóng góp cần xuất phát từ sự am hiểu sâu sắc và niềm tâm huyết, không gây trở ngại hoặc phá hoại quá trình đi lên của dân tộc. Và khi hoạt động trên mạng xã hội cần ý thức rằng, internet không phải là khu vực không có luật pháp.