Anh Dương Tấn Quít, nông dân làm giàu từ đồng đất Lương Tri

(NTO) Anh Đạo Thanh Truyền, Trưởng Ban quản lý thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) giới thiệu anh nông dân trẻ Dương Tấn Quít (ảnh), dân tộc Chăm là gương điển hình trong phong trào Thi đua yêu nước ở địa phương. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, anh đã nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu từ đồng đất Lương Tri. Anh Quít bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới.

Đến thăm gia đình anh Dương Tấn Quít, trước ngôi nhà ngói mới xây khang trang là khoảng sân rộng có mái che hai chiếc máy gặt đập liên hợp Kubota DC 60, DC 70 và chiếc máy kéo Massey Ferguson 690 còn tươi rói màu sơn. Đôi tay lấm lem dầu máy, anh đang kiểm tra máy chuẩn bị đưa lên Bảo Lộc thu hoạch lúa cho nông dân tỉnh Lâm Đồng. Trao đổi với anh, chúng tôi được biết anh quê gốc ở làng Chăm Phú Nhuận, duyên nợ với cô thôn nữ Đạo Thị Hà, ở làng Lương Tri rồi về ở rể từ năm 2003 đến nay. Cả hai bên gia đình đều nghèo, anh được cha mẹ ruột cho một con bê đực khoảng hai tuổi làm của “hồi môn” trên bước đường lập nghiệp. Chị Đạo Thị Hà là con gái út của ông Đạo Văn Thâu trước đây thuộc diện hộ nghèo của làng, gia đình sinh sống nhờ vào 1,5 sào ruộng chủ động tưới canh tác 3 vụ lúa gần làng..

Trước cuộc sống gia đình khó khăn, vợ chồng anh Quít đã bươn chải làm rất nhiều nghề để mưu sinh. Từ làm thuê cuốc mướn đến mở quán cà phê cóc, bán sinh tố, cho thuê âm thanh phục vụ đám cưới nhưng đều không trụ được với đôi vợ chồng trẻ trong buổi đầu khởi nghiệp. Sau 5 năm làm ăn lận đận đến giữa năm 2008, anh Quít được Xí nghiệp Giống cây trồng Nha Hố hợp đồng lao động bốc xếp lúa đóng bao, hưởng công theo đầu tấn sản phẩm. Nhờ sức vóc khỏe mạnh, anh tích cực lao động được doanh nghiệp tin tưởng tạo việc làm thường xuyên có thu nhập 5- 6 triệu đồng/tháng. Trong thời gian này, anh học lái máy kéo chở lúa từ sân phơi về kho bảo quản của xí nghiệp. Chị Hà ở nhà vừa chăm sóc con nhỏ, vừa nuôi 2- 4 con bò đực vỗ béo. Tranh thủ thời gian nghỉ trưa, anh đi theo bờ ruộng cắt 3-4 bao cỏ đến chiều chở về cho bò ăn. Thu nhập hàng tháng từ xí nghiệp bảo đảm cuộc sống cho gia đình; nguồn thu nhập từ nuôi bò vỗ béo và làm ruộng giúp vợ chồng anh lần hồi dành dụm vốn liếng.

Với ý chí quyết tâm làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững, anh Quít suy nghĩ phải chuyển đổi nghề vừa bảo đảm cuộc sống khá giả vừa tích lũy vốn đầu tư nuôi con cái ăn học thành tài. Nhìn thấy làng Lương Tri có trên 90 ha ruộng gieo trồng 3 vụ lúa chủ động tưới từ kênh Bắc và 200 ha ruộng Chà Vum tưới bổ sung từ công trình thủy lợi Phước Trung, nhưng trong thôn chưa có máy gặt đập liên hợp. Đầu năm 2014, anh nghỉ việc bốc xếp cho xí nghiệp, bàn với vợ sử dụng nguồn vốn dành dụm kết hợp vay mượn thêm của bạn bè trên 300 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp và máy kéo vận chuyển lúa. Vụ đông- xuân 2013- 2014, máy gặt đập Kubota DC 60 mới mua của anh hoạt động hết công suất thu hoạch kịp thời ruộng lúa cho bà con trong làng. Với đức tính tận tụy hết lòng phục vụ sản xuất cho người dân trong thôn, với giá cả phải chăng, anh được nông dân tin tưởng hợp đồng thu hoạch, vận chuyển lúa về sân phơi. Đến đầu năm 2017, anh tiếp tục đầu tư 300 triệu đồng mua thêm máy gặt Kubota DC 70 đáp ứng nhu cầu thu hoạch lúa bằng máy của nông dân các địa phương trong và ngoài tỉnh. Theo anh Quít, máy Kubota DC 70 là máy gặt đập mạnh mẽ nhất hiện nay với công suất đạt 3 ha/ngày, đáp ứng tốt thu hoạch trên những cánh đồng sụp lún hoặc cây lúa đổ ngã, giảm đáng kể thất thoát khâu thu hoạch.

Khởi nghiệp vươn lên làm giàu từ đồng đất thôn Lương Tri, anh Dương Tấn Quít tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động vận hành máy vào vụ thu hoạch có thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng. Sau khi xong mùa màng ở Lương Tri, anh đưa máy đi thu hoạch lúa cho nông dân các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận. Nhờ nguồn lợi từ dịch vụ cơ giới nông nghiệp kết hợp sản xuất hoa màu và chăn nuôi gia súc, anh Quít có thu nhập trung bình trên 200 triệu đồng/năm. Anh được bà con thôn Lương Tri bình chọn nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương.