Bài học kinh tế của Trung Quốc dành cho Triều Tiên

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng “chỉ giáo” nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về chiến lược ngoại giao “mang tính sống còn”. Hiện giờ, Tập Cận Bình dường như đang muốn dạy nhà lãnh đạo trẻ này một bài học khác: cách cải tổ nền kinh tế do nhà nước kiểm soát mà vẫn nắm chắc được quyền lực trong tay.

Bắc Kinh từ lâu đã thúc giục Bình Nhưỡng áp dụng các biện pháp tương tự với những biện pháp đã thúc đẩy sự phát triển chóng mặt của Trung Quốc, giúp Trung Quốc từ một nước lạc hậu trì trệ trở thành một trong những cường quốc thương mại lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, dù nước Triều Tiên được trang bị hạt nhân đã lặng lẽ tiến hành cải tổ kinh tế được một thời gian, nhưng trong các tuyên bố chính thức, nước này vẫn khoe khoang về các thành tích của chế độ và lên án những "thói hư tật xấu" của chủ nghĩa tư bản.

Trong những tháng gần đây, khi quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên được khôi phục, Kim Jong-un đã chuyển từ một kẻ cứng đầu, chuyên gây rối và bảo thủ thành một “môn đệ” vâng lời của Tập Cận Bình. Sự thay đổi này xuất hiện khi Bắc Kinh quyết định ủng hộ những biện pháp của Mỹ yêu cầu các nước cấm nhập khẩu than, quặng sắt và hải sản từ nước láng giềng “ngang bướng” của họ (tức Triều Tiên). Mỹ đã phải áp đặt những biện pháp này sau nhiều năm thực hiện chiến lược ngoại giao “nhẹ nhàng” nhưng vẫn không thuyết phục được Triều Tiên ngừng thử hạt nhân và tên lửa.

Chẳng mất quá nhiều thời gian để Kim Jong-un thay đổi thái độ của mình: ông đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên với tư cách lãnh đạo của Triều Tiên tới nước đồng minh lớn duy nhất của mình hồi tháng 3-2018, sau đó, nhanh chóng có thêm 2 chuyến thăm nữa được thực hiện, đưa ông đến thăm các trung tâm công nghệ và khoa học của Trung Quốc.

Kim Jong-un, hiện đang ở độ tuổi ngoài 30, dường như rất nóng lòng muốn học hỏi: truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục đăng tải hình ảnh nhà lãnh đạo này đang chăm chú ghi chép trong các cuộc họp với Tập Cận Bình. Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo hôm 19-6 vừa qua, Tập Cận Bình nói với Kim Jong-un rằng “chúng tôi rất vui khi thấy Triều Tiên đã đưa ra một quyết định lớn là chuyển trọng tâm sang việc xây dựng nền kinh tế. Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm” với Bình Nhưỡng.

Hình mẫu Trung Quốc

Chính sách “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình trong những năm 1980 đã tạo ra một sự bùng nổ kinh tế, giúp nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

Bất chấp những áp lực từ Bắc Kinh nhằm buộc Triều Tiên làm theo hình mẫu của mình, về mặt công khai, Kim Jong-un đã phản kháng, điển hình là năm 2016, ông lên tiếng chỉ trích “làn gió bẩn thỉu của sự tự do của giai cấp tư sản cũng như "cải cách" và "mở cửa" đang tràn vào nước láng giềng của chúng tôi”.

Tuy nhiên, trên thực tế, ông đã thực hiện những thay đổi có giới hạn, từ việc cho phép các nhà kinh doanh tư nhân hoạt động trong các thị trường không chính thức đến việc trao cho những doanh nghiệp nhà nước một số quyền tự do hoạt động, và "nhắm mắt làm ngơ" trước các hoạt động của công ty tư nhân.

Sau khi hoàn thành viêc phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình, Kim Jong-un tuyên bố hồi tháng 4-2018 rằng ưu tiên của ông hiện giờ là “xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Sau đó, một phái đoàn từ đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền đã đến thăm Bắc Kinh hồi tháng 5-2018 để học hỏi về các biện pháp cải cách kinh tế.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore hôm 12-6, Kim Jong-un đã bày tỏ cam kết phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, còn Washington tuyên bố sẽ giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt nếu Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân. Hội nghị cũng chứng kiến cảnh Kim Jong-un nắm bắt cơ hội khám phá đất nước Singapore giàu có, với những hình ảnh tràn ngập trên các phương tiện truyền thông Triều Tiên về chuyến thăm của ông đến một khách sạn đắt đỏ, sòng bài và các địa điểm du lịch khác.

Theo Zhao Tong, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung Tâm Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh, chuyến thăm này có tính chất “tương đồng lịch sử nhất định” với chuyến đi năm 1979 của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình lúc bấy giờ tới Mỹ khi nước này đang ở ngưỡng cửa cải cách kinh tế. Đặng Tiểu Bình đã có thể “tự mình chứng kiến sự phát triển thành công của các nước phương Tây”. Ông Zhao cho rằng, Triều Tiên hiện cũng đã chạm tới bước ngoặt lớn của riêng mình.

Nỗi lo sụp đổ

Trước khi rời Bắc Kinh trong chuyến thăm gần đây nhất, Kim Jong-un đã tham quan một khu công nghệ nông nghiệp và một trung tâm kiểm soát giao thông đường sắt của Trung Quốc. Koh Yu-hwan, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk, nói: “Chuyến đi này nhằm mục đích học hỏi mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc sau khi giải trừ hạt nhân”.

Sự sụp đổ của Liên bang Xô viết hồi đầu những năm 1990 cho đến nay đã ngăn Triều Tiên mở cửa nền kinh tế nhiều hơn những gì Trung Quốc mong muốn. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nói với Bình Nhưỡng rằng Trung Quốc tin thành công về mặt kinh tế mà Trung Quốc đã đạt được là nhờ sự trợ giúp của một chế độ Cộng sản ổn định.

Jean-Pierre Cabestan - chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Baptist Hong Kong – nói: "Trung Quốc đã nói với Triều Tiên suốt nhiều năm rằng hoàn toàn có thể duy trì chế độ một đảng trong khi vẫn mở cửa với thế giới bên ngoài". Theo ông, việc Tập Cận Bình siết chặt quyền lực kể từ khi nắm quyền vào cuối năm 2012 - trong bối cảnh phe phản đối có tổ chức bị kìm hãm và việc sử dụng công nghệ giám sát để theo dõi dân số - sẽ một lần nữa giúp trấn an Kim Jong-un.

Mặc dù lo sợ thất bại, nhưng "hiện tại không còn lựa chọn nào khác" cho Triều Tiên ngoài việc mở cửa - đây là nhận định của Zhu Feng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh của Trung Quốc.