Sàng lọc trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số

(NTO) Sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS&SS) được xem là phương pháp can thiệp hiện đại giúp chẩn đoán sớm các dị tật như hội chứng Down, thiếu men G6PD…góp phần giảm tỷ lệ dị tật bẩm sinh của trẻ, nâng cao chất lượng dân số.

Nhằm thực hiện tốt hơn việc tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, thời gian qua, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh thường xuyên triển khai các hoạt động SLTS&SS mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến nay, toàn tỉnh có 952 phụ nữ tham gia thực hiện SLTS, ước đạt 31,1% kế hoạch đề ra và 3.807 trẻ sơ sinh thực hiện SLSS, ước đạt 78,6% so với kế hoạch tỉnh giao.

Cán bộ y tế cơ sở tư vấn sàng lọc trước sinh cho bà mẹ mang thai.

Bà Phạm Thị Cẩm Vân, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh chia sẻ: Trước đây, với tâm lý e ngại lo sợ con mình bị đau khi lấy máu gót chân, thậm chí nhiều người chủ quan cho rằng không ai trong gia đình mắc bệnh nên vợ hoặc con họ không cần làm các xét nghiệm nên việc triển khai dịch vụ SLTS&SS gặp nhiều khó khăn. Trước những thách thức đó, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh phối hợp với cán bộ y tế cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức: tư vấn trực tiếp với thai phụ khi thăm khám, tổ chức truyền thông, tư vấn nhóm, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các đoàn thể, nhất là hội phụ nữ để tuyên truyền cho hội viên; đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ y tế cơ sở tham gia các lớp tập huấn thực hành lấy máu gót chân, sử dụng máy đo độ bão hòa Oxy trong máu … Không chỉ chú trọng công tác tuyên truyền, từ đầu năm đến nay Chi cục Dân số- KHHGĐ còn trang bị thêm 2 máy đo độ bão hòa Oxy trong máu cho Trung tâm Y tế huyện Thuận Nam và Phòng khám Tháp Chàm. Đến nay, hầu hết các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên đều có trang thiết bị thực hiện SLTS&SS. Dần dần, nhận thức của người dân được nâng cao nên việc kiểm tra thai kỳ và SLSS được nhiều bà mẹ quan tâm. Các gia đình không còn e ngại khi lấy máu gót chân của trẻ ngay sau sinh. Hơn thế nữa, nhiều người còn mong muốn con, cháu mình được sàng lọc bệnh sớm dù là làm theo phương thức dịch vụ thu phí. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, trong tháng 4-2018, một số cơ sở y tế như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Sơn và Trung tâm Y tế huyện Ninh Hải phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Bionet Việt Nam triển khai chương trình SLSS theo hình thức xã hội hóa. Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (phường Mỹ Bình, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) mới sinh đứa con thứ 2 gần 4 tháng cho biết: “Tôi được cán bộ dân số vận động khi sinh lấy mẫu máu gót chân cho con để sàng lọc một số bệnh tật. Qua sàng lọc, kết quả con tôi khỏe mạnh. Tôi cũng khuyên các bà mẹ chuẩn bị sinh hãy thực hiện SLSS để yên tâm con mình không bị bệnh thiếu men G6PD, suy tuyến giáp bẩm sinh”.

Thời gian tới, ngành Dân số-KHHGĐ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền nâng cao hiệu quả truyền thông về SLTS&SS; phối hợp với các đơn vị y tế có liên quan đảm bảo thực hiện tốt chuyên môn kỹ thuật SLTS&SS trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai công tác kiểm tra, giám sát kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dịch vụ SLTS&SS.