Hiệu quả đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp

(NTO) Ngành Nông nghiệp gần đây có bước phát triển đột phá, tốc độ tăng trưởng cao, năm 2017 đạt 7%. Đóng góp vào tăng trưởng đó là nhờ ngành thực hiện các giải pháp “khai thông” nguồn vốn đầu tư công trung hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, một số công trình, dự án thi công đúng tiến độ, sớm đưa vào sử dụng có hiệu quả.

Trong giai đoạn 2016-2018, từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn vay tín dụng ưu đãi, ngành Nông nghiệp được đầu tư 679.289 triệu đồng để triển khai 50 công trình, dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi; phát triển thủy sản, lâm nghiệp bền vững; chương trình cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư. Nhờ có sự nỗ lực của ngành trong thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đầu tư công đến các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và các đơn vị trực thuộc; đồng thời, thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, giám sát, nên đã nâng cao hiệu quả dự án. Các dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi được ưu tiên hàng đầu, qua đó đã cung cấp nước tưới ổn định, tăng diện tích sản xuất nông nghiệp, giúp nhân dân trong vùng hưởng lợi khai thác tiềm năng phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Tiêu biểu như Dự án hệ thống kênh cấp 2, cấp 3 thuộc hồ chứa nước Sông Biêu; kênh cấp 2, cấp 3 thuộc hồ Lanh Ra là những công trình cấp bách gấp rút thi công trong khoảng thời gian ngắn đã phát huy được tác dụng, biến các vùng đất khô hạn ở huyện Ninh Phước, Thuận Nam trở thành những cánh đồng xanh tốt, đưa lại lợi ích lớn cho nhân dân trong khu vực. Điểm tích cực nữa của hoạt động đầu tư công là sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, nhất là vốn vay nước ngoài, một số công trình hoàn thành sớm hơn kế hoạch, tiết kiệm được nhiều chi phí. Đơn cử, Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn đầu kênh Bắc và Dự án cải tạo, nâng cấp kênh Chàm được đầu tư bằng vốn ODA, thời gian thực hiện 2015-2029, nhưng sau 1 năm triển khai đã hoàn thành, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao về đẩy nhanh tiến độ, chất lượng công trình đảm bảo.

Hệ thống kênh mương ở huyện Ninh Phước được xây dựng từ nguồn vốn ODA đưa vào
sử dụng có hiệu quả, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Kết quả không kém phần quan trọng góp phần vào đầu tư công ở lĩnh vực nông nghiệp có hiệu quả, đó là ngành chức năng chủ động lập kế hoạch cho cả giai đoạn đảm bảo vốn kích thích nền kinh tế tỉnh phát triển, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người dân. Điều này thể hiện rõ qua triển khai các dự án lĩnh vực lâm nghiệp (dự án Bảo vệ và Phát triển rừng, Jica 2, SP-RCC…) đã có tác động tích cực trong cải tạo môi trường, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở những xã trong vùng dự án. Qua thực hiện dự án, nhiều khu vực đất trống không có khả năng sản xuất nông nghiệp đã được trồng rừng, làm cân bằng môi trường sinh thái tại một số vùng miền núi, khu vực ven biển, nâng cao độ che phủ rừng. Chương trình trồng rừng có tác động mạnh mẽ đến đời sống của nhân dân, mỗi năm thực hiện dự án thu hút hàng ngàn lao động, tạo sinh kế cho nhiều hộ nghèo. Các dự án thuộc lĩnh vực thủy sản như: Nâng cấp mở rộng Bến cá Mỹ Tân, Khu neo đậu tránh bão cửa sông Cái… cũng đã cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng bến cá, đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh bão, hạn chế thiệt hại về người và phương tiện đánh bắt trong mùa mưa bão, phát triển bền vững nghề cá.

Kết quả triển khai thực hiện nguồn vốn đầu tư công trung hạn tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, tuy vậy quá trình thực hiện các công trình, dự án vẫn gặp những khó khăn, nhất là nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu còn thiếu so với nhu cầu, nên ảnh hưởng đến tiến độ. Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: So với kế hoạch 2016 – 2020, Trung ương đã giao đạt 49%, nhu cầu vốn 2 năm tới khoảng trên 600 tỷ đồng cần phải bố trí kịp thời để đảm bảo tiến độ, đạt được mục tiêu của các dự án được phê duyệt. Để phát huy hiệu quả đầu tư, đơn vị đã tham mưu tỉnh đề nghị Trung ương nghiên cứu triển khai, ban hành cơ chế, chính sách hợp lý để huy động các nguồn lực đầu tư một số công trình trọng tâm, trọng điểm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.