Đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh

(NTO) Qua gần hai năm triển khai thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020”, trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Những kết quả bước đầu…

Toàn tỉnh hiện có 42 chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó có 6 chi nhánh, phòng giao dịch đóng trên địa bàn nông thôn. Nhằm đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, các TCTD trên địa bàn đã mở rộng lắp đặt hệ thống máy giao dịch tự động (ATM) và hệ thống máy chấp nhận thẻ (POS) tại trung tâm huyện, xã phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân. Theo đó, từ cuối năm 2016 đến nay, số lượng máy ATM lắp đặt trên địa bàn tăng 9 máy và máy POS tăng 56 máy, nâng số máy ATM hiện có lên 79 máy, đạt 98,75% so với kế hoạch đề ra đến năm 2020; số lượng máy POS đạt 302 máy, bằng 86,3% so với kế hoạch đã nêu.

Nhân viên Agribank Chi nhánh Ninh Sơn hướng dẫn hồ sơ, thủ tục vay vốn cho khách hàng.

Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có số máy ATM nhiều nhất với 21 máy; đối với máy POS, Chi nhánh Ngân hàng Công thương tỉnh đứng đầu với 91 máy. Với số lượng máy ATM và máy POS tăng hơn nhiều so với trước khi triển khai thực hiện đề án đã tỷ lệ thuận với số lượng và giá trị giao dịch qua ATM và POS. Cụ thể, giao dịch ATM phát sinh năm 2017 là 7.738 tỷ đồng/3,41 triệu món, tăng 7,9% về giá trị giao dịch và 4,33% về số lượng giao dịch so với năm 2016; riêng trong quý I-2018 là 2.056 tỷ đồng/808.808 món. Tương tự, giao dịch qua POS phát sinh trong năm 2017 là 346,6 tỷ đồng/42.208 món, tăng 21,9% về giá trị giao dịch và 21,8% về số lượng giao dịch so với năm 2016; riêng quý I-2018 là 71,6 tỷ đồng/23.747 món.

Thời gian qua, các TCTD trên địa bàn không ngừng cải tiến, tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đang áp dụng; đồng thời, đẩy mạnh phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán mới, hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kể cả những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng trên cơ sở sử dụng mạng lưới sẵn có của các TCTD, mạng lưới bưu điện, mạng lưới của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như sử dụng các tiện ích Bank Plus, dịch vụ Internet Banking, Smart Banking, thanh toán qua điện thoại di động, dịch vụ chuyển, nhận nhiều nơi Agri-Pay, IPay,... nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Kết quả, từ đầu năm 2017 đến hết quý I-2018, doanh số thanh toán không dùng tiền mặt đạt 74.028 tỷ đồng/3,53 triệu món, chiếm 52,68% trong tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng. Trong đó, giao dịch qua kênh internet đạt 3.553 tỷ đồng/404.729 món, chiếm 4,8% doanh số thanh toán không dùng tiền mặt; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 1.263 tỷ đồng/173.623 món, chiếm 1,71% doanh số thanh toán không dùng tiền mặt.

Về thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công, các TCTD trên địa bàn đã tích cực triển khai thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính đến 31-3-2018, toàn tỉnh đã có 8.502 khách hàng nộp thuế qua ngân hàng; 26.083 khách hàng thực hiện thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng, chiếm 17,12% số hộ dân trên địa bàn tỉnh; 1.557 khách hàng đã thực hiện thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng, chiếm 1,02% số hộ dân trên địa bàn tỉnh; 69 khách hàng thực hiện thanh toán học phí qua ngân hàng, chiếm 0,12% số học sinh, sinh viên hiện có trên địa bàn tỉnh; 750 khách hàng được chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng...

Còn nhiều khó khăn cần khắc phục

Việc thay đổi phương thức thanh toán từ tiền mặt sang phi tiền mặt đã vấp phải không ít khó khăn. Thách thức không chỉ đến từ hạ tầng công nghệ thông tin mà còn từ thói quen dùng tiền mặt của người dân đã rất sâu sắc. Theo lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến nay, tỷ trọng giá trị giao dịch qua ATM và POS so với tổng doanh số thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn còn thấp do hiện nay phần lớn người dân vẫn có thói quen thanh toán bằng tiền mặt. Thêm vào đó, thu nhập của người dân trên địa bàn còn hạn chế, tiền lương rút ra chỉ để chi tiêu cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu. Mặt khác, một số đơn vị kinh doanh không muốn công khai thu nhập.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu, nhưng để thực hiện nhanh, hiệu quả cần có một hạ tầng đầy đủ, đồng bộ, an toàn và thuận tiện. Do đó, trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung phát triển cả số lượng và chất lượng hệ thống máy ATM, hệ thống máy POS. Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán điện tử các dịch vụ hành chính công. Bên cạnh đó, tại khu vực nông thôn cần tổ chức, sắp xếp hệ thống máy ATM, máy POS, đẩy mạnh phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán hiện đại, dễ sử dụng. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt.