Chuyển biến từ thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Bài cuối: Phát triển chăn nuôi theo hướng gắn với thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

(NTO) Chăn nuôi thời gian qua nghi nhận có bước chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là về nhận thức. Trên thực tế, phần lớn nông dân coi chăn nuôi là ngành sản xuất phụ, đứng sau trồng trọt.

Tập quán sản xuất dựa vào tự nhiên dẫn đến không chú trọng triển khai các mô hình chăn nuôi có hiệu quả; trong khi đó, đồng cỏ tự nhiên phục vụ chăn thả gia súc ngày càng thu hẹp, nguy cơ thiếu thức ăn ngày càng trầm trọng, đặc biệt là trong mùa khô hạn. Khâu liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm vẫn là vấn đề lớn, cản trở bước tiến của ngành.

Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận: Bất cập của ngành chăn nuôi hiện nay là thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa người sản xuất và thị trường tiêu thụ để tạo ra chuỗi liên kết ổn định. Ngoài một số mô hình liên kết với doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả, đa số hộ chăn nuôi phải qua khâu trung gian để bán sản phẩm, đẩy giá thành lên cao làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Mức độ quan tâm của các cấp, ngành thấp, thiếu chiến lược, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi tỉnh nhà. Trọng trách lớn đang đặt lên vai ngành chức năng, các địa phương khi chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi chưa được thực thi có hiệu quả, chậm đi vào thực tiễn sản xuất. Công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù có những điểm sáng về giết mổ tập trung, nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi.

Mô hình nuôi bò vỗ béo ở xã An Hải (Ninh Phước) đảm bảo chất lượng sản phẩm cao.

Khó khăn, thách thức là vậy, nhưng con đường dẫn tới nền chăn nuôi hiện đại đã được khai thông khi tỉnh đề ra định hướng đến năm 2020 và những năm tiếp theo phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi chiếm 33,9%. Trước mắt, năm 2018 phấn đấu sản lượng thịt hơi các loại đạt 23.300 tấn, tổng đàn gia súc có sừng 423.870 con, tổng đàn gia cầm 1,6 triệu con. Tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng gắn với thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Bên cạnh duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, thì tập trung chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung theo trang trại, gia trại quy mô vừa và nhỏ. Xây dựng sản phẩm đặc thù của địa phương, phát huy lợi thế thương hiệu cừu, dê, heo đen, gà đồi… gắn với chuỗi liên kết cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo tập trung thực hiện.

Để đạt được mục tiêu, tỉnh đề ra giải pháp tăng cường tuyên truyền trong nông dân nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả. Giao ngành Nông nghiệp chủ trì phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là trồng cỏ, bắp, đậu để đảm bảo nguồn thức cho đàn gia súc. Triển khai thực hiện Chuyên đề Xây dựng, hình thành một số sản phẩm đặc thù gắn với Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm. Chuyển giao nhanh các ứng dụng, tiến bộ khoa học- kỹ thuật; khuyến khích hộ chăn nuôi liên kết, tham gia vào các chuỗi cung ứng, giá trị chăn nuôi. Về giải pháp cơ chế, chính sách, tỉnh chỉ đạo tiếp tục triển khai và thực hiện Quyết định số 693/QĐ-UBND ngày 29-3-2013 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 1695/QĐ-UBND ngày 31-7-2015 của UBND tỉnh về phê duyệt Quy hoạch đồng cỏ và vùng chăn nuôi gia súc có sừng đến năm 2020. Riêng chăn nuôi heo phải nằm trong quy hoạch để đảm bảo tiêu chí trang trại an toàn sinh học. Tại hội nghị chuyên đề phát triển chăn nuôi gắn với chuỗi giá trị giết mổ tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm tổ chức vào ngày 24-5 vừa qua, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ rõ: Trong bối cảnh hội nhập, ngành chăn nuôi không thể tách rời với xu thế chung. Rồi đây, những sản phẩm chăn nuôi của tỉnh chưa qua kiểm định an toàn thực phẩm thì không thể vào được các thị trường ở những thành phố lớn. Để tham gia vào chuỗi giá trị thực phẩm sạch, việc vận động các cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ, mất vệ sinh đưa gia súc, gia cầm đến các khu tập trung giết mổ là việc cần làm ngay; đồng thời, tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi theo chuỗi khép kín để đảm bảo nâng cao chất lượng mặt hàng thực phẩm, tạo thuận lợi cho kiểm soát dịch bệnh, vấn đề đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm.

>> Bài 2: Liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị, xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập kinh tế

>> Bài 1: Nhân rộng mô hình sản xuất thích ứng với hạn hán, hướng phát triển chăn nuôi bền vững